BẾ MẠC ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM: Tất cả vì lợi ích đoàn viên

Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ và chăm lo cho đoàn viên và người lao động là trọng tâm hoạt động trong 5 năm tới

Ngày 26-9, ngày làm việc thứ ba Đại hội XII Công đoàn (CĐ) Việt Nam, các đại biểu tiến hành thảo luận tại 12 trung tâm về những chủ đề trọng tâm trong hoạt động CĐ. Qua thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, hiến kế đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động CĐ.

Nâng cao năng lực phản biện chính sách

Tại trung tâm thảo luận số 5 về chủ đề "CĐ tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện và phản biện chính sách, pháp luật", vấn đề "nóng" được các đại biểu tập trung thảo luận, mổ xẻ là làm sao để nâng cao vai trò và chức năng đại diện của tổ chức CĐ.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII) ra mắt đại hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Kiều Minh Sinh, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện số lượng doanh nghiệp (DN) nợ BHXH và kinh phí CĐ còn rất lớn, gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật quy định về việc khởi kiện vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến việc tổ chức CĐ khó thực hiện tốt chức năng đại diện. "Tình hình này kéo dài sẽ khiến NLĐ bị DN xâm phạm quyền lợi lo lắng; do vậy, LĐLĐ Việt Nam phải quyết liệt hơn trong việc tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động để CĐ bảo vệ tốt hơn cho NLĐ" - ông Sinh kiến nghị. Riêng về kinh phí CĐ, ông Sinh đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quy định cụ thể chủ sở hữu kinh phí CĐ để trên cơ sở đó, nếu DN không đóng kinh phí thì CĐ cấp nào thu thì sẽ có quyền và trách nhiệm khởi kiện chứ không thể giao hết cho CĐ cơ sở.

Các đại biểu góp ý tại một trung tâm thảo luận

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng tổ chức CĐ cần thể hiện rõ vai trò trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ, trong đó chú trọng tính phản biện. Ông Bình nhấn mạnh: "Trong bối cảnh Bộ Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến, tiếng nói của tổ chức CĐ đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên sẽ có sức nặng thực sự. Tôi mong muốn CĐ sẽ bám sát đoàn viên và đưa được nguyện vọng, ý kiến của họ đến với các diễn đàn góp ý xây dựng luật. Chỉ có như vậy, việc thay đổi chính sách mới đi đúng hướng và làm hài lòng NLĐ".

Đội ngũ cán bộ giỏi, bản lĩnh, tâm huyết

Tại trung tâm thảo luận số 5, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã trình bày tham luận với nội dung: "Đổi mới nội dung và cách thức tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức CĐ Việt Nam".

Theo ông Phong, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ XI, CĐ Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực thu hút sự quan tâm của đoàn viên và tổ chức CĐ các cấp tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức CĐ, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội được ban hành với ý kiến tham gia sâu sát của tổ chức CĐ. Ông Phong đặc biệt đánh giá cao vai trò của tổ chức CĐ khi biết cách phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đặng Thuần Phong cũng chỉ ra một số hạn chế nhất định, đó là năng lực nhận diện và tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến NLĐ trong các dự án luật, pháp luật hoặc các văn kiện chính sách không trực tiếp liên quan đến NLĐ còn hạn chế. Do đó, ông Phong đề nghị tổ chức CĐ Việt Nam cần phát huy hơn nữa tính chủ động trong tham mưu, đề xuất hoặc góp ý đối với những chính sách mới, nhất là những nội dung phát sinh trong quá trình Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Tránh tình trạng đưa ra đề xuất nhưng không có phương án giải quyết cụ thể. Giải pháp căn cơ nhất là cần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu củng cố, phát triển tổ chức CĐ và giai cấp công nhân trong thời kỳ mới.

Tại trung tâm thảo luận số 8, sau khi nghe các ý kiến tham luận với chủ đề "Giải pháp cải cách hành chính trong tổ chức CĐ Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới", Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá những ý kiến thảo luận không chỉ góp phần khẳng định tầm quan trọng trong công tác cải cách hành chính của tổ chức CĐ mà còn làm rõ hơn nhận thức mới từ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ. Ông Hải cho rằng đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần cốt lõi là cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức CĐ phục vụ đoàn viên, NLĐ thật sự cần thiết là một trong ba đột phá của CĐ Việt Nam trong giai đoạn 2018-2023. "Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện bộ thủ tục hành chính của tổ chức CĐ với ba bộ phận cấu thành theo tinh thần phục vụ cho đoàn viên, cán bộ CĐ và điều hành hoạt động CĐ" - ông Hải nói.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với đổi mới tổ chức và hoạt động; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ CĐ đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ CĐ lần đầu tiên chính thức được đề cập, thể hiện nhận thức mới của tổ chức CĐ theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII)

Chủ tịch BÙI VĂN CƯỜNG

Phó Chủ tịch TRẦN THANH HẢI

Phó Chủ tịch TRẦN VĂN THUẬT

Phó Chủ tịch PHAN VĂN ANH

Phó Chủ tịch NGỌ DUY HIỂU

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/be-mac-dai-hoi-xii-cong-doan-viet-nam-tat-ca-vi-loi-ich-doan-vien-2018092622472417.htm