Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019

Sáng 14-5, tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) - Vesak 2019 đã bế mạc sau ba ngày làm việc.

Dự lễ bế mạc, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bu-tan T.Đo-gi; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương; trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế. Cùng dự, có các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Giáo hội Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới.

Đọc diễn văn bế mạc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2019, nêu rõ: Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đức Phật sinh, thành đạo và nhập Niết bàn, cùng với sự khẳng định giá trị cốt lõi về hòa bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết, càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hòa bình đích thực cho nhân loại. Ðại lễ Vesak 2019 đã thành công rực rỡ, thu hút gần 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng nghìn chư tôn tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Phát biểu ý kiến tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực và chúc mừng thành công của GHPGVN và các thành viên của Ủy ban Tổ chức quốc tế, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ, các ban, bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Nam đã dành nhiều tâm huyết, công sức để Vesak 2019 đạt được kết quả tốt đẹp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đại lễ Phật đản LHQ đã trở thành ngày hội văn hóa chan hòa, tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, đoàn kết và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật, là nơi gặp gỡ của phật tử và những người yêu kính đạo Phật. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, phát triển y tế, giáo dục và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.

Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội, như từ thiện, giáo dục, y tế. Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 đã báo cáo tổng kết Ðại lễ và Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 thay mặt Ban tổ chức tuyên đọc “Tuyên bố chung - Tuyên bố Hà Nam Vesak LHQ 2019” bằng tiếng Việt. Tuyên bố chung đó nêu rõ: Sau ba ngày làm việc, thuyết trình học thuật, thảo luận, trao đổi chuyên sâu, tham gia các sự kiện văn hóa và thắt chặt tình thân hữu Phật giáo, các đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nam 2019.

Tuyên bố Hà Nam 2019 gửi đi các thông điệp, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững. Đặc biệt, các vấn đề Phật giáo trong đời sống, như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo, cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững… Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà LHQ hướng tới.

Sau Tuyên bố Hà Nam, Việt Nam chính thức chuyển giao quyền đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2020.

* Chiều 14-5, Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 thông tin: Đại lễ Vesak được tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam với các chuỗi sự kiện, các chương trình văn hóa, các hoạt động phật sự đã đạt 10 kỷ lục cho sự kiện lần này. Cụ thể: Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất (vượt kỷ lục); Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất (vượt kỷ lục); hội chợ văn hóa Phật giáo lớn nhất; triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất; chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo quốc tế lớn nhất; lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất; số người tham dự tụng Kinh Chuyển Pháp Luân cầu nguyện hòa bình thế giới đông nhất; Đàn lễ Vesak 2019 - Đàn lễ cầu nguyện hòa bình thế giới lớn nhất (vượt kỷ lục); lễ hội thắp đèn Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới có số lượng người tham gia đông nhất; số lượng người tham gia Lễ Tắm Phật đông nhất.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40190902-be-mac-dai-le-phat-dan-lien-hop-quoc-vesak-2019.html