Bế mạc phiên họp thứ 40, UBTVQH: Đổi mới nhiều nội dung từ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Sáng 18/12, sau phần thông qua Chương trình công tác năm 2020; thảo luận Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, UBTVQH đã bế mạc.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Một năm qua UBTVQH làm được rất nhiều công việc quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực vẫn còn những điểm hạn chế. Đó là việc gửi tài liệu chưa đúng hạn, bổ sung nội/rút dung chương trình cũng rất gấp; Chương trình làm việc của UBTVQH, Quốc hội phải điều chỉnh nhiều lần… nhưng đó là vấn đề mà chúng ta phải chấp nhận vì những gì có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân và thấy cần thiết thì vẫn phải làm. Năm 2020 UBTVQH sẽ kiên quyết hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành và thực hiện hiệu quả chương trình công tác năm mà UBTVQH vừa thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau kết thúc phiên họp này, Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan nhanh chóng triển khai các Nghị quyết của phiên họp. Từ nay tới phiên họp đầu tiên của năm 2020 chỉ còn khoảng 20 ngày nữa, nên đề nghị Tổng thư ký Quốc hội hoàn thiện các nội dung trình sớm để trình ký ban hành những nội dung trong năm 2019 và chuẩn bị cho phiên họp UBTVQH đầu năm 2020.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

Rút kinh nghiệm một số nội dung

Trước đó, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 8, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp với kết quả thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; giám sát 01 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn; đồng thời thể hiện sự chủ động, thận trọng, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong công tác phối hợp chuẩn bị, tiến hành kỳ họp của cả hệ thống chính trị, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao cả về nhóm vấn đề được lựa chọn cũng như chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn.

Các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã quyết tâm đổi mới, cải tiến, triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đó là:

Một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp.

Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường, nhưng tài liệu lại đóng dấu “Mật”, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu Quốc hội, cũng như cơ quan thông tấn báo chí. Một số chất vấn còn dài dòng, chưa rõ ý; việc thảo luận, tranh luận có lúc chưa hiệu quả. Một số phần trả lời của Bộ trưởng, Trưởng ngành còn chung chung, chưa đúng trọng tâm…

Về chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến Quốc hội sẽ dành 11 ngày để xem xét, thông qua 10 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; Cho ý kiến 7 dự án luật.

Quốc hội cũng sẽ dành 9,5 ngày để xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; Thực hiện giám sát chuyên đề; Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (nếu có).

Dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội kéo dài 20,5 ngày và khai mạc vào ngày 20/5/2020.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày các báo cáo.

Phải đổi mới một số nội dung kỳ họp

Thảo luận về Chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu nhất trí với các nội dung đã dự kiến, nhưng đề nghị có sự đổi mới về quá trình thảo luận các nội dung kinh tế- xã hội, cách thức trả lời chất vấn…

Nhiều ý kiến cho rằng nên đổi mới nội dung làm việc theo hướng, kỳ đầu tiên của năm tập trung chủ yếu công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các chính sách kinh tế, xã hội, còn kỳ họp cuối năm cần tập trung thảo luận sâu vào cá báo cáo của Chỉnh phủ, Bộ ngành, các vấn đề kinh tế-xã hội, hoạt động giám sát… Đặc biệt, phần trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng nói quá nhanh nên rất khó nghe, hoặc nghe nhưng không thể hiểu hết ý…vì vậy cần rút kinh nghiệm.

Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét: Báo cáo đã nêu khá đầy đủ về nội dung kết quả kỳ họp. Kỳ họp thứ 8 tuy là kỳ họp thường kỳ, nhưng quyết định nhiều nội dung quan trọng mà đã nhiều năm chúng ta mới quyết nghị được, như vấn đề phân định biên giới Việt Nam-Campuchia; Vấn đề đối nội, đối ngoại với nhiều nội dung lớn được bàn bạc thấu đáo. Sự tương tác giữa đại biểu và báo chí tăng cường hơn, các nội dung quan trọng mà Quốc hội đang thảo luận được báo chí cập nhật nhanh, đầy đủ.

Tuy nhiên, Kỳ họp vẫn có những vấn đề cần rút kinh nghiệm, đó là công tác quản lý đại biểu. Số đại biểu vắng họp nhiều dù là có lý do chính đáng nhưng cũng là vấn đề mà cử tri quan tâm….

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Báo cáo về kỳ họp thứ 8 được chuẩn bị rất đầy đủ, toàn diện và kỳ họp diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm, hoàn thành khối lượng lớn được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Về chương trình Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, vấn đề kinh tế-xã hội tại kỳ họp cuối năm 2019 này chúng ta đã thảo luận nhiều thì đến kỳ họp tháng 5/2020 cần xem lại các chỉ tiêu kinh tế-xã hội có gì mới, không nên thảo luận lại những vấn đề gì mà ta đã thảo luận tại kỳ họp trước.

Trong thảo luận cần đánh giá những tháng đầu năm và tìm ra giải pháp cuối năm để không bị trùng, gây lãng phí thời gian của Quốc hội. Đồng thời đề nghị phải rút kinh nghiệm ngay một số vấn đề từ đầu kỳ họp như, việc hỏi nhanh và trả lời nhanh cử tri nghe không kịp…Đổi mới ngay việc thảo luận về kinh tế- xã hội, tập trung công tác xây dựng pháp luật… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/be-mac-phien-hop-thu-40-ubtvqh-doi-moi-nhieu-noi-dung-tu-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-325260.html