Bế tắc bãi xe ngầm

TPHCM có chủ trương xây dựng các bãi đậu xe ngầm khu vực trung tâm và thực tế đã khởi động nhiều năm trước, nhưng đến nay đa số dự án vẫn nằm trên giấy. Với nhiều vướng mắc đang tồn tại hiện nay, nhiều người nhận định phải cả chục năm nữa TP mới có bãi đậu xe ngầm.

Năm 2009, dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (quận 1) được UBND TP chấp thuận đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đến tháng 8-2010, dự án này được động thổ, do CTCP Đầu tư phát triển không gian ngầm chủ đầu tư. Theo kỳ vọng, khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe trầm trọng ở khu vực trung tâm TP. Cụ thể, với diện tích sàn hơn 100.000m2, bao gồm 5 tầng hầm, trong đó có 3 tầng để xe ô tô và 1 tầng để xe máy, sẽ đủ chỗ đậu hơn 2.000 xe máy, hơn 1.200 xe du lịch, gần 30 xe buýt, xe tải… Thế nhưng đến nay tròn 6 năm, dự án vẫn chưa được triển khai và cũng khó xác định khi nào sẽ khởi động lại.

Hiện TP còn có chủ trương xây dựng 3 dự án đậu xe ngầm khu vực trung tâm, gồm Sân vận động Hoa Lư, Công viên Văn hóa Tao Đàn và khu vực sân khấu Trống Đồng. Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang nằm trên giấy dù đã có chủ đầu tư. Cụ thể, UBND TP đã duyệt dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm Sân vận động Hoa Lư theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - khai thác). Dự án có quy mô 24.000m2 gồm 5 tầng hầm, trong đó có 2 tầng đậu xe bán tự động, với sức chứa khoảng 2.500 ô tô và gần 3.000 xe máy. Tuy vậy, năm 2014, CTCP tập đoàn Đông Dương xin rút, không tiếp tục đầu tư. Đến năm 2015, Tập đoàn Vingroup được UBND TP cho phép tiếp tục xây dựng với số vốn hơn 3.400 tỷ đồng. Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay chưa thực hiện được do phải làm việc lại với TP thống nhất một số nội dung còn vướng mắc.

Tương tự, dự án bãi đậu xe ngầm tại Công viên Tao Đàn được UBND TP thông qua năm 2010, giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, với diện tích sàn xây dựng hơn 70.000m2. Trong đó, có 5 hầm để xe với hơn 1.000 chỗ đậu ô tô, 2.500 xe máy... Thế nhưng, năm 2015, công ty này xin rút vì khó thu hồi vốn. Đến cuối năm 2015, TP tiếp tục giao cho Vingroup thực hiện theo hình thức đầu tư BOO. Cùng cảnh ngộ, dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 1.600m2, với quy mô 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, sức chứa khoảng 900 xe ô tô và 400 xe máy. Đến nay, chủ đầu tư trả lại dự án do khó khăn về vốn.

Thiếu vốn là vấn đề mấu chốt trong các dự án chậm triển khai. Hầu hết dự án được lập cách đây cả 10 năm, đến nay giá cả vật tư, nhân công tăng vọt khiến tổng mức đầu tư tăng cao. Trong đó khả năng thu hồi vốn thấp, do các cơ quan chức năng quy định phí đậu xe thấp. Bên cạnh đó, là việc tồn tại nhiều bãi đậu xe tự phát nên các bãi đậu xe ngầm khó cạnh tranh về giá và tiện ích. Nhiều thủ tục xây dựng ngầm lại bị vướng, như việc hướng dẫn xác định đơn giá thuê đất tạm tính, liên quan đến việc nộp thuế đất, các giải pháp thi công... hiện vẫn chưa được thống nhất. Từ thực tế này, các chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho rằng để bãi đậu xe ngầm khai thác hiệu quả cần kết hợp với các đầu mối giao thông như ga metro, ga hàng không, ga tàu hỏa, bến xe khách, trạm xe buýt lớn… Bãi đậu xe ngầm cần được bố trí gần các công trình công cộng tập trung đông người như chung cư, siêu thị, bệnh viện, trường học… Bãi đậu xe ngầm phải kết hợp các công trình thương mại đa chức năng, nhằm tăng cường nguồn thu và khai thác hiệu quả chức năng của bãi đậu xe.

UBND TP đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ, chấp thuận cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi như miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất phục vụ hạng mục đậu, đỗ xe và các công trình xây dựng bến bãi; các hình thức ưu đãi về thuế đối với xây dựng bãi đậu xe ngầm; có chính sách ưu đãi để khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng các bãi xe ngầm, để các dự án sớm được triển khai và khai thác hiệu quả.

Ngoài nguyên nhân năng lực tài chính của chủ đầu tư, còn do năng lực quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lúng túng dẫn đến các dự án không triển khai được. Nếu chưa đánh giá đúng nguyên nhân, cản ngại và có các giải pháp xử lý phù hợp, các dự án xây dựng bãi đâu xe ngầm tại TPHCM sẽ tiếp tục bế tắc.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160907/be-tac-bai-xe-ngam.aspx