'Bế tắc' kiểm soát tài sản, 'vô phương' phòng, chống tham nhũng

'Tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn. Ở các nước kiểm soát được tài sản khi dịch chuyển tài sản người ta biết ngay. Còn ở nước ta, xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong điều kiện không kiểm soát được tài sản', Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không kiểm soát được tài sản thì 'vô phương' PCTN.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: TN

Tiếp tục phiên làm việc, ngày 6/9, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật PCTN sửa đổi.

Chống tham nhũng bằng cơ quan đặc biệt, biện pháp đặc biệt

Cho ý kiến, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đặt vấn đề: “Chúng ta cứ kỳ vọng Luật PCTN tốt sẽ khắc phục được tình trạng tham nhũng. Không đâu”. Muốn PCTN hiệu quả, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả hệ thống pháp luật tốt.

Theo ông Quyền, một trong khó khăn nhất của công tác PCTN là kiểm soát tài sản.

“Tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn. Ở các nước kiểm soát được tài sản khi dịch chuyển tài sản người ta biết ngay. Còn ở nước ta, xây dựng luật này trong điều kiện không kiểm soát được tài sản”, ông Quyền cho rằng, không kiểm soát được tài sản thì vô phương chống tham nhũng bởi đây là “bảo bối”.

Tiếp theo là việc xác minh tài sản, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp lưu ý, đây là câu chuyện lớn. Và nếu mở rộng đối tượng kê khai tài sản thì vô cùng bất cập.

“Bây giờ đang kê khai vô cùng hình thức. Chúng ta lại giao cho mấy anh làm tổ chức cán bộ đi xác minh, trong khi với các vụ án liên quan đến tài sản, điều tra đi, điều tra lại, qua mấy vòng tố tụng còn chưa xác định được tài sản của ai”.

Ông Quyền thẳng thắn cho rằng, việc xác minh tài sản mới quy trách nhiệm chính trị là chính và cũng chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực. Còn xử lý tài sản thế nào thì “bỏ ngỏ”. Dự án Luật vẫn “bế tắc” chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản.

“Chúng ta vẫn đi vào con đường cụt! Tôi cho rằng, vấn đề xác minh tài sản, thu hồi tài sản phải có cơ chế khác là đưa vào tố tụng. Các phán quyết liên quan đến quyền tài sản mà không thông qua Tòa án thì không bảo đảm Nhà nước pháp quyền và quyền công dân. Không đơn giản thu hồi được tài sản của người ta”.

Để khắc phục tính hình thức, hiệu quả thấp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đề nghị, cần tập trung vào biện pháp công khai, minh bạch; đồng thời tính lại tổ chức, cơ chế, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách của Viện Kiểm sát, Thanh tra, Cơ quan điều tra về chống tham nhũng.

“Chúng ta luôn luôn nói tham nhũng là tội phạm ẩn nhưng tất cả các biện pháp của chúng ta lại không phải là biện pháp đặc biệt, hết sức thông thường, thanh tra thông thường, điều tra thông thường…”, ông Quyền nhấn mạnh, phải chống tham nhũng bằng cơ quan đặc biệt, trình tự, thủ tục đặc biệt.

Mở rộng diện người thân còn thiếu anh chồng, em chồng?

Một trong những điểm mới của dự thảo là xây dựng chế độ liêm chính. Trong đó, đã quy định rõ, quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để không tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng.

Đáng chú ý, theo dự thảo “người có quan hệ gia đình” được mở rộng bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu (gọi tắt là người thân - PV).

Nói về liêm chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, trong thực tiễn dư luận đang quan tâm một số vụ việc liên quan đến người nhà của cán bộ. Cụ thể, khi giải trình, các bên đã viện dẫn quy định hiện hành, cho rằng Luật chỉ cấm người đứng đầu, cấp phó ở các cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Dự thảo Luật đã mở rộng diện người thân. "Như vậy đã đủ chưa, có nhất thiết phải mở rộng hay thu hẹp? Quy định như Dự thảo Luật là thiếu anh chồng, em chồng", bà Nga nói và cho biết “chúng ta chịu nhiều áp lực” vì người dân đang kỳ vọng lần này việc sửa đổi Luật PCTN sẽ cho kết quả tích cực.

Đồng ý cần xây dựng liêm chính trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng ông Nguyễn Đình Quyền lưu ý, khi xây dựng các thể chế chúng ta cứ kỳ vọng vào sự tự giác của cán bộ, mà không đi tìm cơ chế kiểm soát lại vấn đề đó.

“Người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự cả. Dự thảo Luật này, tôi thấy, vắng bóng sự kiểm soát liêm chính”, ông Quyền nêu.

Đưa công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư vào phạm vi điều chỉnh

Một trong điểm mới nữa của Dự thảo Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước. Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đặc biệt là khi chủ trương này đã thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quy định nhóm tội phạm về tham nhũng.

“Để đảm bảo tính khả thi, căn cứ vào thực trạng phát triển và yêu cầu quản lý đối với khu vực ngoài Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng cần mở rộng từng bước, có trọng tâm, trọng điểm”, Phó Tổng Thanh tra cho hay.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bắt buộc phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư…

Các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước khác, dự thảo chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng…

Dự thảo cũng quy định, trong phạm vi chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và các luật có liên quan, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, tổ chức xã hội...

Một số ý kiến bày tỏ quan điểm đồng ý mở rộng phạm vi. Tuy nhiên lưu ý, Thanh tra không có thẩm quyền thanh tra các tổ chức xã hội. Nhất là, việc mở rộng thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến thanh tra tràn lan.

Tại phiên họp, các ý kiến cũng băn khăn khi có nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, khó khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu.

Kết luận, đánh giá nỗ lực cố gắng của Chính phủ, Cơ quan Soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị hoàn thiện Dự thảo Luật, giải trình cụ thể để trình kịp vào phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp cũng sẽ đề nghị trình Quốc hội thông qua Dự thảo Luật này theo quy trình 3 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như kế hoạch.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/be-tac-kiem-soat-tai-san-vo-phuong-phong-chong-tham-nhung_t238c67n124002