Bế tắc trần nợ công có thể châm ngòi suy thoái kinh tế Mỹ

Giới phân tích cho rằng thiệt hại do trì hoãn nâng trần nợ công có thể xảy ra theo 3 kịch bản và mức độ ảnh hưởng có thể biến động từ 'không đáng kể' đến 'cực kỳ đáng sợ'.

Tấm bảng ở Washington hiển thị thông tin nợ công của Mỹ. Ảnh: AFP

Tấm bảng ở Washington hiển thị thông tin nợ công của Mỹ. Ảnh: AFP

Tranh cãi về trần nợ công kéo dài có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái nếu chính quyền Washington không thực hiện được các nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Các nhà lập pháp Mỹ đang đàm phán việc nâng trần hạn vay của chính quyền liên bang và có thể chỉ còn vài ngày để hành động trước thời hạn ngày 1/6.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cho biết chính quyền Mỹ có thể không thể chi trả các khoản đúng hạn trước ngày 1/6. Trong trường hợp đó, Bộ Tài chính có thể tạm dừng các khoản thanh toán, chẳng hạn như chi trả cho nhân viên liên bang hoặc cựu chiến binh.

Trong trường hợp xấu nhất, việc không trả nợ được cho những người nắm giữ nợ của chính quyền Mỹ - yếu tố then chốt của hệ thống tài chính toàn cầu - có thể gây ra suy thoái nghiêm trọng, khiến giá cổ phiếu lao dốc và chi phí vay tăng vọt.

Các nhà kinh tế đang hy vọng nước Mỹ sẽ không phải chứng kiến vụ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng họ vạch ra 3 kịch bản tiềm năng khi bế tắc trần nợ công kéo dài có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ, từ mức độ không đáng kể đến cực kỳ đáng sợ.

Kịch bản 1: Thỏa thuận đạt được vào phút cuối

Nền kinh tế Mỹ đang chững lại do lãi suất tăng cao và nhiều nhà phân tích đã cảnh báo sẽ có một cuộc suy thoái trong năm nay.

Ông Joel Prakken, nhà kinh tế trưởng tại Công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence, cho rằng trong lúc các nhà lập pháp đàm phán về trần nợ công, sự bất định có thể khiến người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ.

Người lao động có thể không bị mất việc làm, nhưng triển vọng kinh tế khó lường có thể buộc họ phải hạn chế chi tiêu.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể bắt đầu suy giảm khi ngày 1/6 đến gần. Thực tế đã chứng minh, vào năm 2011, khi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ công chỉ vài giờ trước thời hạn, thị trường chứng khoán đã lao dốc và mất nhiều tháng để phục hồi, ông Prakken dẫn chứng. Sau đó, xếp hạng tín dụng của Mỹ đã bị hạ bậc.

"Ngay cả khi chúng ta đạt được thỏa thuận trước thời điểm cạn kiệt ngân khố thì tác động của sự bất ổn có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế", ông Prakken nhấn mạnh.

Trước đó, các nhà phân tích tại S&P Global Market Intelligence đã dự đoán vào tháng 3 rằng tình trạng hỗn loạn tài chính tương tự như năm 2011 có thể hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2023 còn 0,1%, thay vì mức tăng 0,6% nếu không có bất ổn nợ công.

Kịch bản 2: Thỏa thuận đạt được sau hạn chót

Nếu các cuộc đàm phán về nợ công kéo dài qua ngày 1/6, các nhà kinh tế dự đoán suy thoái kinh tế Mỹ sẽ hứng phản ứng gay gắt hơn từ thị trường tài chính, vì khả năng vỡ nợ lúc này sẽ dễ xảy ra hơn.

"Cú sốc sẽ có xu hướng tăng tốc khá nhanh" vào ngày 1/6, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán Ernst & Young, nhận định.

Nếu các tài khoản hưu trí và đầu tư của người tiêu dùng đột ngột giảm, họ sẽ cắt giảm đáng kể chi tiêu - yếu tố huyết mạch của nền kinh tế Mỹ. Thêm vào đó, các công ty có thể buộc phải tạm dừng kế hoạch tuyển dụng và đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết rằng ngày thực tế mà ngân khố cạn kiệt tiền mặt có thể muộn hơn vài ngày hoặc vài tuần so với dự tính.

Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng - một tổ chức tham vấn chính sách của Mỹ - dự đoán Bộ Tài chính nước này sẽ chi 622,5 tỷ USD trong tháng 6 khi thu về 495 tỷ USD tiền thuế. Thời điểm chính xác của các dòng tiền vào và ra đó ảnh hưởng đến dự trữ tiền mặt.

Một khả năng khác là trong một thời gian ngắn, chính quyền liên bang sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ hơn các khoản chi khác, chẳng hạn như các khoản phúc lợi an sinh xã hội. Điều đó sẽ gây ra các tác động kinh tế đáng chú ý nhưng ít nghiêm trọng hơn so với vỡ nợ, theo các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư UBS (Mỹ).

Cụ thể hơn, các chuyên gia UBS cho rằng theo kịch bản trên, GDP của Mỹ sẽ suy giảm 2% hàng năm trong quý III/2023 và giảm sâu hơn trong quý cuối năm. Ngoài ra, các chủ sử dụng lao động sẽ cắt giảm khoảng 250.000 việc làm trong nửa cuối năm.

Lạm phát Mỹ được kỳ vọng sẽ giảm xuống như mong đợi của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Cơ quan này cũng có thể cắt giảm lãi suất để giúp bù đắp một số điểm yếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kịch bản 3: Thỏa thuận bất thành, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Nếu không đạt được thỏa thuận nào và chính quyền liên bang không thể thanh toán tất cả các hóa đơn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

"Sẽ có sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu vì trái phiếu kho bạc Mỹ rất quan trọng", bà Wendy Edelberg, chuyên gia kinh tế tại Viện Brookings cảnh báo. Nữ chuyên gia lưu ý: "Điều gì sẽ xảy ra khi thứ mà mọi người đang tự lấy làm cơ sở tham chiếu lại trở thành một trong những thứ rủi ro nhất".

Còn ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Ernst & Young nhận định, vỡ nợ sẽ đẩy nước Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn so với cuộc suy thoái năm 2007 - 2009.

Giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ giảm khi các nhà đầu tư bán tháo và có thể cắt giảm vĩnh viễn số lượng họ nắm giữ.

Các khoản thanh toán bị lỡ hẹn sẽ làm gián đoạn dòng vốn vay hàng nghìn tỷ USD ngắn hạn trên toàn cầu - nguồn lực rất quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp.

Đối với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, một khi giá trị trái phiếu sụt giảm, chúng sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của họ.

Thực tế, việc khách hàng gần đây ồ ạt đi rút tiền ở một số ngân hàng bắt nguồn từ việc giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sút và mức giảm có thể sâu hơn nhiều nếu vỡ nợ ập đến.

Theo các nhà phân tích, nhiều nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro. Một báo cáo của Nhà Trắng đã dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ "bốc hơi" 45% trong những tháng tiếp theo và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, ngân hàng UBS dự đoán tình trạng bế tắc trần nợ công kéo dài 1 tháng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy giảm trong 4 quý liên tiếp.

Không giống như cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 vào năm 2020 khi mà người Mỹ mất hơn 20 triệu việc làm và chính quyền liên bang đã bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế, Washington sẽ không thể đưa ra các hỗ trợ khác, báo cáo của Nhà Trắng nêu.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy, đã nói với báo giới vào ngày 20/5 rằng các đảng viên Cộng hòa sẽ chỉ tiếp tục đàm phán về nợ công khi Tổng thống Joe Biden trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Nhật Bản.

Vào tối ngày 20/5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phản bác lại rằng chính đảng Cộng hòa vào ngày 19/5 đã đưa ra đề nghị về trần nợ là "một bước lùi lớn", đồng thời khẳng định rằng đề xuất này chứa đựng "những yêu cầu phe phái cực đoan sẽ không bao giờ có thể được thông qua ở cả hai viện (Thượng viện và Hạ viện - BTV) của Quốc hội".

Trước đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã từ chối bỏ phiếu nâng trần nợ vượt quá giới hạn 31.300 tỷ USD trừ khi Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ của ông đồng ý cắt giảm chi tiêu trong kế hoạch ngân sách liên bang.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/be-tac-tran-no-cong-co-the-cham-ngoi-suy-thoai-kinh-te-my-d190231.html