Bé trai 8 tuổi bị ung thư máu mong một cái Tết trọn vẹn

Chào đời khi mới 7 tháng tuổi, bé Châu đã phải nuôi trong lồng kính. Không ai có thể ngờ, nay con lại mắc phải căn bệnh ung thư. Sự sống của con đang bị 'đánh cược' với hoàn cảnh, cha mẹ không còn đủ khả năng tiếp tục chạy chữa. Vài ngày nữa là Tết, cậu bé chỉ mong sao có một cái Tết trọn vẹn.

Những ngày này Tết đã cận kề, nhiều người ở xa đã rục rịch về quê để đón Tết. Người ở lại hối hả đi mua sắm Tết. Thế nhưng ở bệnh viện nơi nồng mùi hóa chất, hai mẹ con bé Lê Bảo Châu (SN 2012) ở tổ 3, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La vẫn phải dắt díu nhau nằm ở bệnh viện. Hàng ngày trôi qua, cậu bé ấy đang gồng mình trải qua nỗi đau đớn do căn bệnh ung thư đang mắc phải.

Bé Châu mắc phải căn bệnh ung thư máu. Ảnh GD

Theo chia sẻ của chị Vương Thị Huệ, SN 1982 – mẹ của bé Châu, sau 3 năm ngày cưới với nhiều lần sảy thai, thai lưu, chị mới có được bé Châu. Châu sinh non khi mới 7 tháng tuổi, nặng 1,8kg. Bởi vậy mà chào đời con đã phải nằm lồng kính. Sau gần tháng nằm trong lồng kính, hai mẹ con chị Huệ mới được gần nhau. Suốt thời gian còn nhỏ, bé Châu thường xuyên ốm đau nên vợ chồng chị chẳng dám nghĩ tới việc sinh thêm.

Năm bé Châu được 5 tuổi, vợ chồng chị nhỡ kế hoạch. Dẫu vậy niềm vui mừng ấy cũng chẳng được bao lâu, chị Huệ đi kiểm tra phát hiện chửa ngoài tử cung. Lần ấy chị suýt mất mạng. May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng kể từ đó, chị Huệ không thể có con được nữa.

Nhiều lần bé Châu nguy kịch

Có một mình bé Châu, vợ chồng chị Huệ chăm chút cho con từng ngày. Tuy Châu hay ốm vặt nhưng rất thông minh, có thành tích cao trong học tập. Cháu học giỏi nhất lớp, từng đạt giải Nhất cuộc thi Toán tuổi thơ năm 2018 – 2019. Con là tất cả niềm tự hào, niềm vui mà vợ chồng chị Huệ đặt vào.

Vậy nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khi Châu vừa mới học hết lớp 1. "Thời gian nghỉ hè, Châu thường hay bị chảy máu cam. Khi cho cháu đi nhổ răng thấy khó cầm máu. Chân răng cháu hay bị rỉ máu, tối lấy bông thấm thì chỉ sáng hôm sau là ướt hết bông. Gia đình lo cháu bị rối loạn đông máu nên đưa đi kiểm tra ở bệnh viện tỉnh. Bác sĩ bảo bạch cầu cao, chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Về nhà được mấy hôm, cháu lại chảy máu cam mãi không cầm được, gia đình vội đưa xuống Viện huyết học – Truyền máu TƯ. Các bác sĩ phát hiện cháu bị ung thư máu thể M4. Đó là ngày 3/9/2019, khi cháu mới nhận lớp, nhận cô được 2 ngày"– chị Huệ nghẹn ngào nói.

Hai mẹ con chị Huệ vẫn ở bệnh viện dù đã gần kề Tết nguyên đán. Ảnh GD

Kể từ khi phát hiện ra bệnh, cuộc sống của Châu gắn liền với bệnh viện. Lần nào vào hóa chất, Châu cũng phải nằm viện cả tháng trời, có lần kéo dài tới 3 tháng. Chị Huệ nhớ lại, có đợt Châu vào viện bị sốt kéo dài. Thường xuyên nằm ở phòng cấp cứu và chuyển nhiều bệnh viện…, Châu đã trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn. Nhiều lần các bác sĩ bảo gia đình chuẩn bị tinh thần, Châu vẫn kiên cường vượt qua nguy kịch.

"Vợ chồng tôi vẫn nghĩ sau nhiều lần sự sống ngàn cân treo sợi tóc như vậy, con vẫn vượt qua được nên dù thế nào cũng cố chạy chữa cho con. Cầm cố nhà vợ chồng tôi cũng làm, thế nhưng chẳng còn sổ đỏ để mà cắm" – chị Huệ cho hay.

Chị Huệ phải rong ruổi theo con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, túc trực để chăm sóc con nên không làm được gì. Mọi lo toan để chạy chữa cho bé Châu giờ chỉ một mình chồng chị Huệ gánh vác bằng nghề lắp điện nước tự do. Ở cùng vợ chồng chị còn có mẹ già yếu.

Kinh phí điều trị hằng ngày cho bé Châu, bố mẹ đều phải đi vay mượn và kêu gọi giúp đỡ, nhưng cũng không thấm vào đâu. Thương hoàn cảnh của con, trường học của Châu cũng đã quyên góp một chút kinh phí để con có thêm điều kiện chữa bệnh.

Mặc dù có bảo hiểm y tế song việc điều trị của Châu cần dùng nhiều loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm. Đến thời điểm hiện tại, kinh tế gia đình Châu đã cạn kiệt, trong khi để tiếp tục chạy chữa cho con phải cần số tiền lớn. Hai vợ chồng chị nhìn con đối mặt từng cơn sinh tử, nhiều lúc bất lực chỉ biết nhìn nhau mà khóc.

Bé Châu chỉ mong có một cái Tết trọn vẹn. Ảnh GD

Hàng tháng, Châu chỉ được về nhà vài ngày lại phải quay lại bệnh viện để truyền máu. Những cơn đau hết ngày này qua ngày khác tiếp tục hành hạ, Châu chỉ mong sớm được trở về để đến trường đi học cùng các bạn. Cũng như rất nhiều đứa trẻ khác, Châu rất mong đến Tết để được mặc tấm áo mới, được lì xì… nhưng hoàn cảnh của Châu hiện giờ, điều đó cũng chẳng dễ dàng.

Hiện các bác sĩ cho Châu dùng thuốc để hạ bạch cầu, truyền máu, truyền tiểu cầu thường xuyên. Không những vậy, Châu còn bị suy tim nên phải dùng thêm thuốc tim. Nhắc đến Tết, chị Huệ bảo chỉ mong con có cái Tết bình an, không phải đi viện ngày Tết là mừng. Lúc nào cũng phải trực chiến, con có dấu hiệu gì là phải đi viện ngay nên chẳng có tư tưởng sắm Tết. Ôm con chặt vào lòng, chị Huệ những mong bên con lâu nhất có thể.

Rồi đây, gia đình chị chưa biết sẽ về đâu khi những khoản nợ đang lớn dần lên mà gia đình lại khó khăn về kinh tế. Lúc này, chị chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ cộng đồng để tiếp tục duy trì sự sống cho con.

Mọi sự giúp đỡ cháu Bảo Châu - Mã số 633 xin gửi về:

1. Chị Vương Thị Huệ ở tổ 3, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 633

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 633

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/0353199913

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

6. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 633

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/be-trai-8-tuoi-bi-ung-thu-mau-mong-mot-cai-tet-tron-ven-2021020408122288.htm