Bé trai bại não bị 4 con chó nhà cắn chi chít vết thương

Vết thương khiến bé trai mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật bị thương nghiêm trọng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận bé V.Đ.D. (9 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị chó nhà nuôi cắn thương tâm.

Gia đình cho biết, D. bị bại não từ nhỏ, khi sinh ra em nặng có 1,7kg. Đến nay dù đã lên 9 tuổi nhưng cân nặng của em cũng chỉ 12 kg. Gần chục năm qua, D. hầu như nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người thân chăm sóc.

Tai nạn xảy đến khi mới đây khi em ở nhà một mình, trong lúc đại tiện vô thức em bất ngờ bị 4 con chó nhà nuôi xông vào tấn công, khiến em mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật bị thương nghiêm trọng.

 Bé D. đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau tai nạn chó nhà cắn thương tâm. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Bé D. đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau tai nạn chó nhà cắn thương tâm. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Nhìn đứa con thơ đau đớn, chị Phùng Thị Trang, mẹ D. vừa khóc vừa trách bản thân vì quá nghèo nên đã phải tha hương xuống Hà Nội làm thuê làm mướn, mới được nửa tháng thì xảy ra cơ sự.

Gia đình chị Trang thuộc diện cận nghèo của địa phương, có mấy sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cũng không đủ ăn.

Chồng chị sức khỏe yếu nên chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống, nuôi 3 đứa con thơ, một cháu 4 tuổi, một cháu mới 2 tuổi. Còn D. bị di chứng bại não, bao năm nay chỉ nằm một chỗ, gia đình cũng không có tiền đưa em đi chữa trị, khó khăn, chồng chất khó khăn.

Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho D., tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khi tiếp nhận trường hợp của bé D., bệnh tình rất thương tâm, từ lúc người nhà phát hiện bé bị chó cắn đến lúc đưa xuống bệnh viện đã hơn 10 tiếng.

"Ngày 6/3, chúng tôi mổ cấp cứu cho bệnh nhân, cắt lọc, tạo hình, che phủ dương vật. Hơn nữa, do vết thương của bệnh nhân nặng, nên chưa xác định được bệnh nhân có hay không có tinh hoàn, có thể tinh hoàn vẫn còn ẩn trong vùng bụng”, bác sĩ Hoa nói.

Vết thương do chó cắn trên ngực và cổ bệnh nhi. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Để điều trị, bệnh nhi phải cắt cụt dương vật chỉ còn 1cm, vết thương khô, dương vật còn lại đã được chuyển ra và che phủ, các vết thương tương đối ổn định.

Tuy nhiên, bệnh nhi sẽ được tạo hình dương vật về sau. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tinh hoàn có ở trong vùng bụng không và tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương tránh nhiễm trùng, uốn ván. Sau khi bệnh nhân ổn định tiêm phòng dại cho bệnh nhân và tiêm phòng dại cho cả 4 con chó.

Từ trường hợp ca bệnh trên, bác sĩ Hoa đưa ra lời cảnh báo đối với người dân, không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn… Con chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.

Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin liên hệ:

Chị Phùng Thị Trang – Mẹ bệnh nhân Vũ Đức Duy.

Địa chỉ: thôn Đoàn Kết, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Số điện thoại: 0972628591

Hoặc Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Phòng 248 nhà C3

Điện thoại: 024.32668625, liên hệ số máy lẻ 585

Tài khoản Quỹ từ thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Tên tài khoản: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Số tài khoản USD: 12210370016823

Số tài khoản VNĐ: 12210000024248

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Thành

Nội dung: Ủng hộ MS 807 hoặc Ủng hộ bệnh nhân Vũ Đức Duy.

Video: Bé 21 tuần tuổi bị chó nhà nuôi cắn rách mặt

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/be-trai-9-tuoi-chi-chit-vet-thuong-do-4-con-cho-nha-nuoi-can-d462248.html