Bè tre vượt biển: Minh chứng nhiệt huyết, sức mạnh người Việt

Một đoàn thủy thủ trên hai chiếc bè tre hoàn toàn tự nhiên thực hiện chuyến hải hành ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Quốc.

Ý tưởng này được bắt nguồn từ chuyến hải hành của nhà thám hiểm người Mỹ Tim Severin và ngư dân Lương Viết Lợi của Thanh Hóa (Việt Nam) đã dùng bè mảng truyền thống của ngư dân Sầm Sơn thực hiện hành trình 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương năm 1993.

Chủ nhân của ý tưởng, cũng là trưởng nhóm thủy thủ là ông Đỗ Nguyên Ái. Thủy thủ đoàn gồm 7 người, đã tự tay đóng hai chiếc bè tre. Đáng chú ý, hai chiếc bè này được thực hiện hoàn toàn thủ công và tự nhiên.

Vật liệu làm bè là những cây luồng, được kết với nhau hoàn toàn bằng dây cước. Cánh buồm cũng được may thủ công. Nguyên mẫu hai chiếc bè được dựa theo bè mảng cổ truyền của ngư dân Thanh Hóa, có chiều dài không quá 10m, rộng 3m, cột buồm cao không quá 7m.

Hai chiếc bè này được đặt tên là Nhụy Kiều tướng quân là danh hiệu của Bà Triệu được quân dân tôn xưng khi mới khởi nghĩa) và Bình Định Vương.

Hai chiếc bè được neo đậu tại biển Hội An chờ chuyến hải hành sau Tết Nguyên đán (Ảnh: Đỗ Nguyên Ái)

Song song với đó, bè cũng được trang bị các trang thiết bị đảm bảo an toàn như hệ thống định vị toàn cầu GPS, các thiết bị thu phát tín hiệu liên lạc với bờ biển và các bộ định hướng, định vị hiện đại.

Cả đoàn đã thực hiện ý tưởng này trong thời gian dài. Bè được đóng bởi chính các ngư dân Sầm Sơn, và anh em trong nhóm dự án cùng ăn cùng ở cùng làm với họ, vừa làm vừa học hỏi từ những ngư dân này. Cuối cùng ra đời được hai chiếc bè hoàn toàn theo phương cách truyền thống.

Họ xuất phát từ ngày 20/1/2019, hiện tại bè đã đi được tổng cộng 297 hải lý dọc bờ biển, tính thời gian lênh đênh trên biển là vừa tròn 99 giờ. Ông Đỗ Nguyên Ái cho biết tham gia đoàn thủy thủ này đáng chú ý có 2 bậc thầy đóng bè có tiếng của Sầm Sơn, cùng 2 nhà quay phim của Việt Nam.

Hiện tại, hai chiếc bè đang được neo tại cửa biển Hội An để sửa chữa một số chi tiết. Ngoài ra, các thành viên của thủy thủ đoàn cũng tranh thủ về nhà ăn Tết và sớm tiếp tục cuộc hải hành của mình. Dự kiến, cuối tháng 2 hai chiếc bè sẽ cập bến Phú Quốc.

Chiếc bè tre bơi qua cầu Cửa Đại (Ảnh: Đỗ Nguyên Ái)

Trao đổi với ông Đỗ Thái Bình, chuyên gia hàng hải Việt Nam, thành viên của hiệp hội đóng tàu Hoa Kỳ, ông cho biết cá nhân ông nhiệt liệt hoan nghênh kế hoạch này của các nhà thám hiểm Việt Nam.

"Đây là những con người dám nghĩ dám làm. Họ có đam mệ thật sự với thuyền bè cổ truyền. Bản thân tôi biết các thành viên trong đoàn đều là những tay chơi thuyền buồm, họ có kinh nghiệm đương đầu với sóng gió, họ có đủ kiến thức để lèo lái phương tiện của mình. Cách họ chọn thời điểm ra khơi cũng phù hợp, hiện mùa này gió Đông Bắc thổi, rất phù hợp để bè, thuyền buồm xuôi về nam" - ông Đỗ Thái Bình cho biết.

Theo chuyên gia này, cách làm của các nhà thám hiểm này dù phiêu lưu nhưng rất đáng tuyên dương. Họ đã cất công nghiên cứu về loại hình phương tiện cổ truyền của dân tộc.

"Thành công của chuyến đi này là minh chứng cho việc từ xa xưa, hàng trăm năm trước, các thủy thủ người Việt đã có thể vượt hàng nghìn hải lý trên biển. Vì thế, họ có thể vươn xa ra các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để đánh dấu chủ quyền dân tộc, họ đã bám biển, sống với biển từ hàng trăm năm như vậy" - ông Đỗ Thái Bình nhấn mạnh.

Bè tre tiến vào nghỉ ngơi tại Đà Nẵng, neo đậu gần Cầu Rồng (Ảnh: Đỗ Nguyên Ái)

Ngoài ra, việc những chiếc bè tre này vượt biển thành công sẽ mở ra nhiều loại hình mới. Nó cho phép các trường đại học về biển của Việt Nam có một phương tiện mới để hướng dẫn học viên của mình thêm hiểu biển, gần biển với chi phí rất phải chăng.

"Vài chục triệu cho một chiếc bè như vậy, và nhiều lớp học sinh có thể thực tập với nó. Họ sẽ hiểu cảm giác lênh đênh trên biển, hiểu từng con sóng, ngọn gió và thêm yêu biển, thêm trau dồi bản lĩnh của những người thủy thủ.

Có một thực tế là các học sinh của Việt Nam bây giờ học về biển nhưng liệu có bao nhiêu giờ được thực tập, thực tế trên biển? Nếu nhà trường đổ cho thiếu tài chính, thiếu trang thiết bị, thì đó, những chiếc bè tre, hồn biển của đất nước là một phương tiện hữu hiệu nhất để phản bác các nguyên nhân đó" - ông Đỗ Thái Bình phân tích.

Chuyên gia này phân tích thêm: "Các cơ quan chức năng phải ý thức được việc họ đang sở hữu một báu vật trong tay để làm du lịch. Nếu ta đi từ hòn đảo này, sang một hòn đảo khác ở Nha Trang, hay Phú Quốc bằng bè tre cổ truyền, nó sẽ là một điểm nhấn mà không quốc gia nào có được.

Khách du lịch nước ngoài sẽ không bao giờ từ chối loại hình này. Có rất nhiều cách để phát triển tiềm năng du lịch biển, từ đó làm giàu cho ngư dân, góp phần giữ biển, giữ đảo. Đất nước chúng ta cần nhiều hơn nữa những gã lãng tử đang phiêu lưu trên những chiếc bè kia".

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/be-tre-vuot-bien-minh-chung-nhiet-huyet-suc-manh-nguoi-viet-3374053/