Belarus, những điều đọng lại

Tháng Mười, Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Thủ đô giải phóng. Trời chớm thu se lạnh, tôi háo hức cùng các nhà báo của Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội lên đường sang thăm và làm việc tại Belarus. Háo hức nhưng thành ra tôi lại lo vì Đại tá Ngô Anh Thu, Phó tổng biên tập giao nhiệm vụ: 'Chú về viết bài đấy nhé'! Bởi thế mà bây giờ tôi ngồi đánh vật với bao nhiêu điều thu lượm được sau chuyến đi.

Xa mà gần

10 giờ bay thẳng tới Moscow và sau hơn một giờ nối chuyến, đoàn chúng tôi tới thủ đô Minsk của nước bạn. Ở Việt Nam đang đầu mùa thu, nhưng bên bạn đã là thời điểm cuối thu. Tuy “Mùa thu vàng” không ở thời điểm đẹp nhất nhưng vẫn cực kỳ rực rỡ! Không chỉ những tán phong mà dường như rất nhiều loài cây ở nơi này đều chuyển màu đẹp như tranh vẽ. Chỉ có mấy ngày bên nước bạn nhưng có lẽ đoàn chúng tôi thật may mắn bởi gặp cả nắng vàng và tuyết rơi trong âm độ C. Lịch công tác gần như kín khi bạn thu xếp để đoàn làm việc với Ban lãnh đạo Hãng thông tấn quân sự VayAr, Báo Vì Vinh quang của Tổ quốc và Truyền hình Quân đội VOEN-TV. Tại các buổi làm việc, những đồng nghiệp của bạn trao đổi với chúng tôi hết sức cởi mở về kinh nghiệm chuyên môn, nhất là những thay đổi, phát triển của báo chí, truyền thông nói chung và báo chí điện tử, truyền hình nói riêng trong thời đại bùng nổ công nghệ số; nội dung, quy trình, hình thức tổ chức sản xuất, khả năng phối hợp sản xuất, xuất bản báo điện tử và các thể loại: Phóng sự, phim tài liệu…

 Bảo tàng Chiến thắng. Ảnh: Ngô Anh Thu

Bảo tàng Chiến thắng. Ảnh: Ngô Anh Thu

Bạn dành cho chúng tôi tình cảm hết sức thân tình cả trong và ngoài giờ làm việc. Tôi hỏi chuyện Thiếu tá Lê Minh Tâm, Trợ lý Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Belarus, được anh cho biết: Đa số bạn gọi chúng ta bằng “đồng chí” hoặc “những người khách quý”. Quả thật, không khí chân thành và hết sức tình cảm rất dễ được chúng tôi cảm nhận trong những ngày ở thăm đất nước Belarus. Một bữa cơm ở nhà hàng Việt Nam, tất cả phía bạn đều dùng đũa để gắp món nem Việt, chấm nước dùng rồi tấm tắc khen ngon. Một phóng viên của Báo Vì Vinh quang của Tổ quốc sang thăm nước ta khi còn là đại úy, nay đã trung tá nói với tôi rằng: Anh rất muốn được trở lại Việt Nam để được thêm một lần tắm biển và thăm vịnh Hạ Long hùng vĩ.

Vinh quang Tổ quốc!

Điểm tương đồng giữa nhiệm vụ của báo chí quân đội Việt Nam và Belarus là phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và quân đội. Đại tá Zuwlink Sengee, Phó tổng giám đốc thứ nhất Hãng thông tấn Quân sự VayAr nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền để bảo đảm an ninh chính trị, làm lan truyền sâu rộng chính sách quốc phòng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Belarus, tham gia các hoạt động xã hội mà Bộ Quốc phòng cho phép. Chẳng hạn, để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về một thời kỳ đấu tranh của quân đội, VOEN-TV sản xuất clip ngắn khá ấn tượng. Đó là hình ảnh người cựu chiến binh và các cháu thiếu nhi bên chiếc nồi hơi nấu cơm cấp đại đội có xe kéo gợi nhớ đến những ngày gian khổ ngoài mặt trận. Cũng từ chiếc nồi ấy, các em được thưởng thức món súp gà-thành quả của cuộc sống mới hòa trong tiếng hát thánh thót, tươi vui. Để cổ vũ thanh niên tham gia quân đội, bạn kết lại bằng lòng tự hào, khẳng định được phục vụ Tổ quốc là điều vinh quang nhất! Còn khi nghe chúng tôi giới thiệu rằng, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Quân đội nhân dân Việt Nam còn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ… thì bạn hết sức khâm phục.

Khách tham quan làng Khatun lặng người trước những mất mát, đau thương của làng. Ảnh: Ngô Anh Thu

Trong khi giới thiệu nhiệm vụ tuyên truyền về hình ảnh quân đội Belarus ra công chúng, đồng nghiệp bạn rất tự hào về đội ngũ phóng viên. Báo in của bạn xuất bản 5 kỳ/tuần, được bán rộng rãi trên các sạp báo. Báo điện tử tuy mới có một thứ tiếng, nhưng ngoài xuất bản trên internet, bạn còn sử dụng nhiều mạng xã hội, như: Facebook, Twitter, Vkontakte… để mở rộng sự ảnh hưởng. Đặc biệt, bạn đã xuất bản ấn phẩm 3D hiện đại. Đối với Truyền hình Quân đội VOEN-TV, bạn chưa có kênh riêng mà chỉ phát theo khung giờ nhưng được phát trên 5 kênh chính, trong đó có kênh truyền hình nổi tiếng 24 được hơn 100 nước phát sóng. Con số 83.000 thuê bao của Kênh VOEN-TV ở đất nước chỉ khoảng 12 triệu dân này cũng thật ấn tượng. Điều thú vị, Việt Nam đứng thứ 10 về số lượng khán giả xem truyền hình quân đội của bạn thông qua Google và Youtube.

Những bản hùng ca đẫm lệ

Tôi thật sự nhói đau với những con số được lưu giữ tại Bảo tàng Chiến thắng ở thủ đô Minsk, trong mô hình "ngôi làng Khatun" hay ở Trường Thiếu sinh quân Minsk. Sắc lệnh thành lập Bảo tàng Chiến thắng ra đời ngay trong khói lửa cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Belarus (năm 1943) nên rất giàu tư liệu để một năm sau (1944) đất nước Belarus gần như được giải phóng hoàn toàn thì bảo tàng đã được trưng bày. Từ những mảnh áo còn sót lại của các chiến sĩ Hồng quân, những con búp bê nhỏ xíu bện bằng sợi gai của trẻ em cháy dở… đến những viên gạch bị nung chảy thành sành sứ ở pháo đài Brest (cửa ngõ giữa Nga và Ba Lan-nơi các chiến sĩ Xô Viết phòng thủ trước sức tấn công ồ ạt của quân Đức (tháng 6-1941)… cho thấy những khúc hùng ca tráng lệ. Đó cũng có thể là điều mà giờ đây, khi Liên Xô không còn tồn tại nhưng lá cờ đỏ búa liềm thì vẫn hằng ngày tung bay trên đỉnh cao nhất của Bảo tàng Chiến thắng. Thăm bảo tàng mới thấy tội ác của phát xít Đức và đồng minh gây ra thật man rợ. Liên bang Xô Viết đã mất hơn 26,6 triệu người, trong đó Belarus mất gần 2,4 triệu người. Lính Đức Quốc xã tàn phá hơn 9.200 ngôi làng trên đất Belarus, 620 ngôi làng bị đốt, người dân bị giết gần hết, 186 làng bị xóa xổ, chỉ còn vài người sống sót. Sau hòa bình, 186 ngôi làng này không còn tên trên bản đồ mới. "Ngôi làng Khatun" bây giờ cách thủ đô Minsk khoảng một giờ ô tô là mô hình tái hiện nỗi đau của lịch sử. Ngày 22-3-1943, quân Đức đến đây, lùa toàn bộ những người dân vô tội vào một dãy nhà kho rồi phóng hỏa đốt, ai liều mạng chạy ra ngoài sẽ gục ngã dưới làn đạn của những con thú khát máu, trẻ nhỏ thì bị chúng ném xuống giếng nước. Hôm ấy, cả làng chỉ có một người đàn ông bị thương và 4 đứa trẻ may mắn sống sót trong đống thây người.

Làng Khatun bây giờ-chính xác hơn là một mô hình-nghĩa địa độc nhất trên thế giới. 185 ngôi làng được khắc tên, số người bị giết, ngôi mộ thu nhỏ màu đen tang thương… đặt trên nền ngọn lửa mô phỏng và 26 nền nhà với những cột cháy nham nhở của làng Khatun… Tội ác của Đức Quốc xã trong những ngôi làng đã quá man rợ. Tại các trại tập trung, tội ác còn ghê rợn hơn khi có tới 206.500 người bị giết chỉ trong một trại… Vốn là người hằng ngày tiếp xúc thường xuyên với những con số nhưng những con số đau thương ấy làm tôi thực sự ám ảnh…

Giữ mãi trong tim

Trước mỗi buổi làm việc, Đại tá Vũ Văn Thu, Trưởng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Belarus trao đổi với chúng tôi rất kỹ. Anh đề xuất thêm ngoài kế hoạch dự định, đó là việc đến thăm, tặng quà cựu chiến binh Mikhail Sergeevich, Chủ tịch Hội hữu nghị Belarus-Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội cựu chiến binh Belarus từng chiến đấu ở Việt Nam. Căn hộ của vợ chồng ông bà trên tầng 4 một chung cư tại thủ đô Minsk. Ông là một trong số 201 sĩ quan tên lửa, chuyên gia phòng không sang Việt Nam giúp chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hà Nội, Hà Bắc (cũ) là nơi ông cùng bộ đội Việt Nam chiến đấu. Trong số các sĩ quan đồng đội của ông có một người hy sinh, đó là Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brưndikov, chuyên gia về tên lửa phòng không. Tại Bảo tàng Chiến thắng quốc gia, phần trưng bày có chủ đề quan hệ quốc tế, một phần trang trọng bạn dành nói về Việt Nam. Bên cạnh tấm bản đồ hình chữ S có một trang dành riêng về liệt sĩ Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brưndikov. Ở gian này, cùng những hình ảnh liên quan đến Việt Nam-Belarus có tấm bằng “Huy chương đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ” của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng đồng chí Salachenko Dmitri Nikolacvitch (cũng là sĩ quan tên lửa chiến đấu ở Việt Nam).

Có lẽ, người Việt Nam nào đến đây cũng sẽ dâng trào cảm xúc bởi sự giúp đỡ to lớn, cả sự hy sinh xương máu của những người con Xô Viết nói chung, người Belrus nói riêng đối với chúng ta. Ông bà Mikhail Sergeevich cho biết thêm, hài cốt Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brưndikov đã được đưa về quê hương ông (cách thủ đô Minsk) gần 700km, được người em gái của liệt sĩ và chính quyền địa phương, các cháu thanh, thiếu nhi chăm sóc cẩn thận. Năm nào cũng vậy, vào dịp 27-7, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam đều cùng những người đồng đội từng chiến đấu đến dâng hương, tưởng niệm liệt sĩ…

Chia tay ông Mikhail Sergeevich và bà Svetlana Vladimitana, chúng tôi thật bồi hồi, xúc động, trân trọng và biết ơn. Ông bà, những người con Xô Viết-Belarus, đất nước xinh đẹp, thanh bình này mãi trong tim chúng tôi…

TRẦN NAM TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai-quoc-phong/belarus-nhung-dieu-dong-lai-597822