Belarus: Phương Tây khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai vũ khí hạt nhân

Ngày 28-5 Chủ tịch hội đồng an ninh Quốc gia và Tổng thống Belarus đã có những tuyên bố về việc nước này cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật như một cách cảnh báo Phương Tây không vượt 'lằn ranh đỏ'. Và các nước Liên Xô cũ có thể gia tăng khả năng phòng vệ bằng cách cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

Belarus tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Trong bài trả lời phỏng vấn kênh Russia 1 phát sóng ngày 28-5, Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết, bất cứ quốc gia Liên Xô cũ nào muốn bổ sung thêm một lớp phòng thủ thông qua việc lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nên nâng cấp chặt chẽ hơn mối quan hệ với Nga. Ông nói, những quốc gia muốn được Moskva triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ có thể cần phải gia nhập Liên minh của Nga và Belarus.

“Không ai phản đối Kazakhstan hoặc các quốc gia khác có quan hệ gần gũi với Liên bang Nga như Belarus”, ông Lukashenko nói khi được hỏi về bình luận gần đây của Astana về mức độ quan hệ giữa Moskva và Minsk cho phép hai nước láng giềng chia sẻ vũ khí hạt nhân.

Ông cho biết: “Một quốc gia cần phải gia nhập Liên minh giữa Nga và Belarus, sau đó sẽ có vũ khí hạt nhân được đặt trên lãnh thổ của họ”.

“Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta chỉ có cơ hội chiến lược duy nhất để đoàn kết”, Tổng thống Belarus nói, nhấn mạnh ông chỉ đang bày tỏ ý kiến cá nhân và điều này có thể không trùng với quan điểm của Nga.

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus Alexander Volfovich trả lời phỏng vấn đài ONT cho biết: “Một trong những công cụ răn đe chiến lược về mặt quân sự là vũ khí hạt nhân. Phương Tây đã khiến Belarus không còn lựa chọn nào khác”, “Nếu các chính trị gia phương Tây còn lý trí, tất nhiên, họ sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ này”.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus Alexander Volfovich. Ảnh: BeITA

Ông Volfovich cho biết vũ khí hạt nhân đã được rút khỏi lãnh thổ Belarus sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khi Mỹ đưa ra các đảm bảo an ninh và không áp lệnh trừng phạt. “Giờ đây, mọi thứ đã bị xóa bỏ. Mọi lời hứa từng được đưa ra đều đã biến mất mãi mãi”, ông Volfovich nói.

Hồi tháng 4 Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm “cường kích Belarus được bổ sung khả năng tấn công mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân” và tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Không quân Belarus đang vận hành gần 70 cường kích tấn công mặt đất Su-25. Loại chiến đấu cơ này có thể mang bom nặng 500 kg, phù hợp với những mẫu bom hạt nhân rơi tự do từng được Liên Xô phát triển.

Belarus có đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia. Nga và Belarus có mối quan hệ quân sự thân thiết và Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus là “rất tiêu cực”.

Thông tin về việc Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus đã gây ra một làn sóng chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông thấy diễn biến này “rất tiêu cực”. Phía Nga tuyên bố họ có quyền đưa ra quyết định như vậy nhằm gia tăng an ninh cho đồng minh.

Nga cũng chỉ ra việc Mỹ đang đặt vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia châu Âu. Phương Tây đã áp nhiều vòng trừng phạt với Nga và Belarus, trong đó có loại một số ngân hàng khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế thương mại và trừng phạt loạt quan chức.

Hoàng Sơn

(Theo Reuters, Sputnik)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-gioi/belarus-phuong-tay-khien-chung-toi-khong-con-lua-chon-nao-khac-ngoai-viec-trien-khai-vu-khi-hat-nhan/187139.htm