Bến Chuân không còn 'gian truân'

Từ trong xanh thẳm, cầu Bến Chuân như sợi chỉ trắng nối liền hai bờ sông Chảy. Bến đò Chuân giờ nhộn nhịp xe cộ, hàng hóa tấp nập ngược xuôi, sự trù phú, sinh sôi hiển hiện trên mảnh đất mom sông.

Nhọc nhằn bến Chuân

Nằm dưới chân núi Đại Thần - dãy núi cao nhất, nhì của huyện Bảo Yên và bám ven bờ sông Chảy - nên xã Xuân Hòa có thế đất đổ dốc mạnh với những bản làng nằm cheo leo bên vách núi, nhưng lại có những bản nằm nhô phía mom sông. Bao đời nay, dòng sông cứ mải miết chảy khiến người dân hai bên bờ đứng đây nhìn kia mà xa xôi, cách trở.

Ông Phạm Quang Trung, người bản Chuân năm nay đã gần 70 tuổi đưa chúng tôi xuôi dốc xuống bến đò năm xưa vốn đã bỏ hoang mấy năm nay, nền đường mọc đầy cỏ dại. Người dân sống quanh đó mượn tạm đất để trồng ít cỏ voi cho gia súc.

Khi nghe tôi hỏi về Xuân Hòa, về bến Chuân, đôi mắt ông Trung xa xăm: Gian nan lắm, hàng chục năm trước đây, người dân muốn đi ra huyện phải vượt qua sông lớn. Không chỉ tiềm ẩn bao hiểm nguy sông nước, mà còn hạn chế giao thương của người dân với các xã lân cận. Kinh tế vì thế cứ bó trong vòng tròn “tự cung, tự cấp” đầy gian khó.

Đứng trên triền sông hun hút gió, nhìn dòng nước mênh mang rợp người, tôi phần nào hình dung được sự vất vả, hiểm nguy của những chuyến vượt sông mưu sinh.

Xã Xuân Hòa có 3 bản nằm giáp sông Chảy là Chuân, Cuông 1 và Cuông 2; phía bên kia sông là Quốc lộ 279 và xã Tân Dương. Trước đây, trụ sở UBND xã Xuân Hòa đặt ở bản Chuân, dân cư tập trung hơn 2 bản kia. Khi đó, người dân đã san tạo bến sông ngay giữa bản Chuân nên gọi là bến Chuân.

Từ những năm 60, để phục vụ nhu cầu đi lại, một số người dân đã làm bến đò chở khách, ban đầu là thuyền độc mộc bằng cây cơi, mảng ghép từ những thân cây nứa, mỗi chuyến sang sông chở được 3 - 4 người. Sau đó là đi đò chèo tay, xuồng sắt chạy bằng máy nổ.

Ngày trước, Xuân Hòa như một ốc đảo bởi đi đến trung tâm phố huyện dù theo Quốc lộ 279 qua địa bàn xã Tân Dương hay theo Tỉnh lộ 160 qua xã Xuân Thượng cũng đều phải đi đò ngang. Sau này, khi cây cầu treo được xây dựng, Tỉnh lộ 160 trở thành tuyến đường độc đạo chạy dọc xã kết nối với khu vực lân cận. Tuy nhiên, người dân muốn sang Quốc lộ 279 để ra thị trấn Phố Ràng hoặc cụm xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên nếu không muốn đi đường vòng vẫn phải đi đò hoặc cầu phao tự chế qua sông Chảy.

Ông Trung bảo, chiếc cầu phao tự chế đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Cầu có chân làm bằng thùng phuy để nổi trên mặt nước, sau đó phủ những tấm liếp bằng tre tạo thành mặt cầu. Mỗi lần có việc đi qua, người ta phải “trông trời, trông đất” gắng đi thật nhanh, bởi chỉ lo lũ về bất chợt sẽ cuốn phăng cả cầu và người. Mỗi khi thấy lũ đầu nguồn đổ về, ông chủ đò lại lấy dao cắt phăng dây tời để cây cầu cuốn theo dòng lũ, tránh trường hợp người dân vẫn đi qua cầu, dễ bị lũ cuốn trôi. Rồi đến khi lũ rút, mọi người lại hì hục tạo phao, làm cầu mới…

Còn nhớ cách đây 8 năm, tôi có dịp về Xuân Hòa đúng ngày mưa lớn. Chiếc cầu phao đã bị dòng lũ cuốn trôi. Từ bên bờ này là Quốc lộ 279, tôi xuống đò vượt ngang dòng nước. Ngồi trên đò mà sợ hãi nhìn dòng nước xiết từ đầu nguồn đổ về cứ ào ào, trắng xóa. Vượt qua khúc sông sang đến bờ bên kia an toàn, mỗi người qua sông vẫn đưa tay ép nơi lồng ngực để trấn tĩnh.

Không còn gian truân

Bao tháng ngày gian truân cùng sông nước, tháng 7/2021, người Kinh, Tày, Mông, Dao tuyển khắp bản trên, bản dưới của Xuân Hòa và một phần xã Xuân Thượng vỡ òa trong niềm vui khi cây cầu bê tông vượt sông Chảy được xây dựng.

Lấy tên bến đò xưa, cầu được đặt tên là cầu Bến Chuân. Công trình thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAM) được xây dựng từ giữa năm 2020 với tổng chiều dài 175 m, rộng 3,5 m.

Được đưa vào sử dụng, cầu Bến Chuân đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Xuân Hòa tới thị trấn Phố Ràng xuống một nửa so với trước đây. Bên cạnh đó, hiện Tỉnh lộ 160 - con đường độc đạo đến thị trấn Phố Ràng đang xuống cấp, việc cây cầu mới kết nối xã với quốc lộ êm thuận được xây dựng đã đem lại nhiều ý nghĩa, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của Xuân Hòa và các xã lân cận.

Hôm chúng tôi đến, gia đình chị Trần Thị Huế ở bản Chuân đang chọn quế để cắt tỉa cành, lá bán cho thương lái. Chiếc ô tô tải loại lớn đỗ ngay dưới chân đồi. Gia đình chị Huế là một trong những hộ phát triển kinh tế tốt từ đồi rừng. Từ năm 2007, gia đình chị đã gieo hy vọng qua bao mùa cây, ban đầu là mỡ, sau thu mỡ thì trồng quế. Từ đó đến nay, đồi cây hơn 1 ha đã cho thu hoạch qua các mùa lấy gỗ, vỏ, lá, thu lợi vài trăm triệu đồng. Gia đình chị dần có của ăn, của để, 2 năm trước còn xây ngôi nhà trị giá 700 triệu đồng.

Chị Huế bảo: Những năm trước, mỗi đợt bán đồi cây, gia đình rất khó khăn trong việc tìm thương lái đến mua vì giao thông trắc trở; 2 vụ chặt bán đồi quế và mỡ trước đây, gia đình bị giảm thu 20 triệu đồng vì giá vận chuyển cao. Giờ đây, cầu qua sông thuận tiện, thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận đồi thu mua, chúng tôi phấn khởi lắm.

Ông Vũ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Con đường giao thông, giao thương của Xuân Hòa giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ có sự kết nối từ cầu Bến Chuân. Bà con đã yên tâm sản xuất, mở rộng mô hình. Giờ chỉ 15 phút trên con đường êm thuận là hàng hóa có thể đến với trung tâm phố thị. Cây cầu là “cứu cánh” của địa phương, tạo thuận lợi không chỉ về phát triển kinh tế, mà còn về mọi mặt của đời sống. Con đường đến với thành công của xã đã không còn gian nan…

Thời “lăn lộn” với ngô, sắn đã qua đi, Xuân Hòa phủ dần màu xanh no ấm. Giao thông thuận lợi, người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế với nhiều mô hình mới, như làm ván bóc, nuôi gà quy mô lớn, trồng chuối tiêu hồng lấy quả, lấy sợi ép... Đặc biệt, phát huy lợi thế địa hình, thổ nhưỡng, người dân đẩy mạnh trồng rừng, trong đó tập trung vào quế - loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Địa phương hiện là “vựa quế” của huyện với hơn 3.000 ha của hơn 1.400 hộ, chiếm gần 80% số hộ của xã. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 38 triệu đồng, giá trị sản xuất đạt 81 triệu đồng/ha.

Kinh tế phát triển, nhận thức của người dân nâng lên. Bà con hiểu rằng muốn phát triển kinh tế hoặc làm việc gì cũng phải có kiến thức nên rất quan tâm đến việc học tập của con em mình. Nhờ có cây cầu kết nối, đường đến trường của các em (đặc biệt là học sinh bậc THPT) được rút ngắn, bớt nhọc nhằn. Tỷ lệ học sinh học hết bậc THPT ngày càng tăng, phần lớn trong số đó học tiếp lên chuyên nghiệp…

Đứng trên triền sông hun hút gió với những người dân bên bến sông xưa, nhìn dòng nước mênh mang, tôi không còn nỗi lo vượt sông nữa. Mọi người vui vẻ nói về những chuyện vui, những dự định mới mẻ trong tương lai. Trong những câu chuyện ấy là niềm tin và hy vọng mới về sự phát triển của vùng đất bên bến Chuân gian khó năm nào…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ben-chuan-khong-con-gian-truan-post367236.html