Bến đỗ

Mâu thuẫn không có gì lớn, chỉ là sự vụng về của anh trong chuyện chợ búa cơm nước. Anh không thạo lĩnh vực này. Chả cứ anh, hầu như những người chồng khác, ai thì cũng vậy thôi. Có người, vợ nhờ nấu cơm, còn không biết thùng gạo để đâu, đi chợ vợ dặn mua gì, phải ghi vào tờ giấy, có khi còn mang cả chiếc bút bi, để ghi giá tiền từng thứ một; không ghi chép, đến khi vợ hỏi không biết lối nào mà lần.

Anh đi chợ, thì người ta nói sao mua vậy. Mua gì về, chị cũng chê, nào là cân thiếu, nào là đắt. Hôm nay thì lại khác, chị dặn anh: “Trông hộ nồi cá kho trên bếp”, để chị đi đâu đó. Anh gật đầu, nhưng mắt vẫn chúi vào tờ báo. Đến khi chị về, nồi cá đã cháy thành than. Chị phừng phừng nổi giận. Anh im lặng, kệ cho chị nói. Anh đã quen với những cơn thịnh nộ của chị. Một người bạn, cùng dạy học với anh, có lần bảo: “Cậu hiền quá, cứ để vợ lấn át. Mình á, mình quát ầm lên chứ”. Anh cười: “Mình mà quát, thì bà ấy còn quát to hơn”. Anh vốn là người ít nói, lại hay ý tứ giữ gìn. Anh sợ nhất là hàng xóm nghe thấy chuyện xích mích, cãi cọ trong gia đình mình.

Hôm nay, chuyện để cháy nồi cá kho, anh biết mình có lỗi. Anh ngồi thừ ra một lúc, rồi tay cầm nồi, tay cầm dĩa, xụp xuống cạnh chiếc xô đựng rác, vừa xúc cá vứt đi, vừa đổ nước, cọ nồi. Nước cá cháy đen, bắn cả lên mặt mũi. Chị chống nạnh, đứng giữa nhà la lớn: “Sướng, chưa? Chồng người ta thì...”. Anh đã hơi nóng mặt, khi nghe: “Chồng người ta thì...”. Nhưng đến khi nghe tiếp chị đay nghiến: “Cả nhà anh ngu, cả họ nhà anh ngu” thì anh không chịu được nữa. Anh lẳng chiếc nồi xuống đất, chạy đến giật mạnh cổ áo chị. Chỉ thế thôi, chị lấy tay ôm mặt, khóc hu hu, rồi đùng đùng chạy vào phòng trong, đóng sầm cửa lại. Anh như người thất thần, ngồi một lúc, rồi rón rén lại gần, ghé mắt nhìn qua khe cửa. Thấy chị cho quần áo vào chiếc bao tải dứa, chắc là chuẩn bị cho một cuộc ra đi. Có lẽ chuyến đi khá lâu, vì chị mang quần áo cho cả bốn mùa. Anh thở dài, đứng lặng bên khe cửa. Một lúc sau, chị đẩy mạnh cánh cửa bước ra. Anh bị bất ngờ, không kịp tránh, bổ chẩng bổ chảo. Chị dằn giọng: “Xê ra cho người ta đi”. Anh giữ lấy tay chị làm lành: “Thôi, lỗi là tại anh”. Anh muốn níu kéo chị lại. Nhưng hình như, anh nhận lỗi về mình, lại làm cho chị tức giận hơn, quyết tâm dứt áo ra đi hơn. Khi đã không thể níu kéo được nữa, anh đành buông tay, nhìn chị lên xe, rồ máy phóng đi.

Chị đi rồi, anh thấy hẫng hụt. Anh ngồi lọt thỏm vào chiếc ghế salon, nhìn lên tấm ảnh cưới treo ở giữa nhà. Sao từ cái đẹp, khi người ta yêu nhau, đến cái bộn bề phức tạp của cuộc sống lứa đôi, nó mong manh đến thế? Một lúc sau, anh ra cầm chiếc nồi, rồi ngắm nghía nó. Chiếc nồi méo vẹt một bên. Bên bị méo, có một chỗ lồi ra, như con mắt ốc nhồi. Anh thấy nó như nhìn vào anh, làm anh thấy sợ. Bất giác, anh nhấc chiếc kính cận ra. Khi nhấc chiếc kính ra, anh lại ngỡ ngàng. Không hiểu sao, chiếc gọng kính bị vẹo sang một bên. Một bên có mắt, một bên lại không. Anh bần thần nghĩ ngợi: “Không hiểu sao cá cháy, lại làm vẹo kính? Không hiểu sao kính lại chỉ còn một mắt?”. Ở đời nhiều cái phi lý mà lại thành có lý. Có khi đánh rơi viên thuốc xuống đất mà tìm mãi không ra, nó biến đi đâu? Cái kính đeo trên mắt cũng biến đi đâu một mắt? Mãi sau anh mới “à” một tiếng. Thì ra lúc ánh nhìn vào khe cửa, bị chị đẩy mạnh ra, kính rơi đằng kính, người vẹo đằng người. Cận thị khổ thế.

Anh cầm chiếc nồi lên, lấy búa gõ vào phía trong, chỗ bẹp, để cho nó phồng ra. Tiếng gõ kêu lên, chả ra cung bậc gì, cứ như người ta đánh phèng phèng, có lúc lại như tiếng gõ tom chát! Không hiểu sao, tiếng gõ lại làm anh nóng ruột? Gõ một lúc, anh ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Không biết chị sẽ đi đâu, ở đâu?

Chị đi, gió lạnh thổi ngược chiều, làm chị khó thở. Túi quần áo cồng kềnh, cứ chao đi đảo lại. Chị phải dừng xe hai ba lần, để chằng buộc lại. Nhưng đi đâu, chính chị cũng mơ hồ. Chị cứ đi, đi theo con đường mà chị vẫn thường đi. Con đường đã xuống cấp, lồi lõm mấp mô, người ta đang vá víu. Chợt có một ông, mặt lưỡi cày, tay dùi đục đi xe đạp ngược chiều, bị chiếc túi to đùng của chị va phải, ông ta ngã lăn ra đất. Chị cuống cuồng dừng xe, kéo ông ta dậy. Ông ta bị chiếc túi đè nặng quá, lại kéo chị xuống, đè lên người ông ta. Dân hai bên đường đứng xem, được một mẻ cười vỡ bụng.

Cuối cùng, nơi chị đến vẫn là nhà mẹ đẻ. Chị cố sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu, để kể cho mẹ nghe, những thứ “vô tích sự” của anh. Chị bấm chuông, đứa em gái ra mở cổng. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của em, chị chột dạ: “Mẹ có nhà không, sao em khóc?”. Nghe chị hỏi, đứa em ôm chầm lấy chị, khóc to hơn, cứ nấc lên từng hồi. Chị rụng rời đổ đốt chân tay. Nhìn vào nhà, thấy vắng hoe. Hay mẹ làm sao? Chị cầm lấy tay em gặng hỏi: “Em ơi. Trời đất... Làm sao thế này?”. Đứa em quệt nước mắt, rồi lại khóc to hơn: “Chị ơi, mẹ...”. Mới nghe thế, chị đã bật khóc. Những giọt nước mắt cứ rơi lã chã xuống vai em. Người ta bảo, nước mắt làm dịu khổ đau là nước mắt trong. Nước mắt làm đầy lên hạnh phúc là nước mắt mặn, không biết có phải thế không? Nếu đúng vậy, thì nước mắt này, cũng chẳng mặn mà cũng chẳng trong. Khi nghe em nói: “Chị ơi, mẹ...”. Chị mơ hồ nhận ra, ngôi nhà này có điều gì chẳng lành vừa xảy đến. Chị ôm chặt lấy em, líu cả lưỡi: “Mẹ làm sao, làm sao... em nói đi?”. Đứa em lặng ngắt, mãi sau mới nói được: “Mẹ cãi nhau với bố. Mẹ bỏ về nhà bà ngoại rồi”. Chị như thấy đất trời sụp xuống. Nơi chị định dừng chân, không còn cơ hội nữa. Chị quay đi. Bây giờ chị mới thấy mình chông chênh, không còn nơi đến. Bất đắc dĩ, chị đến nhà một người bạn gái. Lúc này, những nỗi niềm như tuôn chảy. Chị nghĩ rằng, bạn sẽ đồng tình với cuộc ra đi của mình. Nhưng khi nghe xong, người bạn lại bảo: “Cậu mới là người sai lầm, chứ không phải anh ấy”. Chị cãi lại. Người bạn nghiêm nét mặt: “Tôi hỏi cậu, nồi cá kho là gì?”. Chị lúng túng, không hiểu ý tứ của câu hỏi, liền trả lời có vẻ hời hợt: “Thì... cá kho, là... cá kho, chứ còn... là gì”. Người bạn vẫn không tha, còn dằn giọng hơn và đổi cả cách xưng hô: “Không phải, mày chưa trả lời đúng câu hỏi của tao”. “Thì mình không biết”. Người bạn vẫn chưa hài lòng với thái độ của chị, nhưng đã dịu hơn: “Chính cái không biết, mới là cái sai lầm của cậu”.

Chị đến đây kể lể, tưởng sẽ là quan tòa, để buộc tội chồng mình, ai ngờ lại thành bị cáo. Từ lúc này, chị dè dặt hơn, lắng nghe hơn và tư lự nhiều hơn. Người bạn với tay cầm ấm nước, rót ra hai chiếc chén rồi bảo: “Chúng ta là bạn, nhưng cái đúng, cái sai phải rạch ròi, cậu có thấy thế không?”. Chị nghe xong, nửa phục nửa sợ, lý nhí: “Mình cũng...”. “Thế cá... là gì, cậu đã biết chưa?”. Chị cười bẽn lẽn: “Thú thật, mình... chưa biết, cậu nói đi”. Người bạn đưa chén nước về phía chị, rồi bảo: “Uống đi, nhớ lấy, cá là tiền”. Chị giật mình, mãi bây giờ chị mới lờ mờ hiểu... cá, chung quy cũng chỉ là tiền! Chị cầm chén nước, nhấp một ngụm, chợt thấy lòng dịu lại. Chị tưởng câu chuyện vặn vẹo đến thế là cùng, không ngờ người bạn lại bảo: “Tao hỏi mày câu nữa”. Chị giật mình, đặt chén nước xuống bàn ú ớ: “Thế... lại...”. Người bạn ngồi xích về phía chị, nói nhỏ hơn, nhưng có vẻ nghiêm trọng hơn: “Thế cả nhà anh ngu, cả họ nhà anh ngu, là cái gì?”. Chị nghe xong, bủn rủn cả chân tay, mặt mày trắng bệch, như người bị cảm lạnh, chị nói không ra hơi: “Cho tao nằm xuống đây, tao thấy khó ở quá”. Người bạn đỡ chị xuống giường, lấy chiếc chăn mỏng đắp lên người chị. Chị nằm ngửa mặt lên trần, nhìn con thạch sùng cứ búng lưỡi vào một chỗ hõm ở góc tường. Một lúc sau một con thạch sùng khác, nhỏ con hơn, đen hơn, từ chỗ hõm chui ra, chắc là con chồng. Trước khi hai con dẫn nhau sang phòng bếp kiếm ăn, chúng chụm đầu vào nhau thủ thỉ, không biết chúng tâm sự với nhau những gì. Chị nhìn hai vợ chồng con thạch sùng mà thấy chạnh lòng.

Vừa nằm vừa nghĩ đến câu vặn hỏi của bạn lúc trước “Thế cả nhà anh ngu là gì...?”chị thấy sợ, sợ lẽ đời ăn ở đục trong, sợ cả cái miệng lưỡi của mình. Chị không biết sẽ phải chống đỡ những câu hỏi khó của bạn thế nào nữa. Đúng lúc ấy, bạn chị đến kéo chị dậy, và nói một câu đúng vào nỗi sợ của chị: “Nào ta lại tiếp tục...”. Chị ngồi dậy tựa lưng vào thành giường, bạn chị cũng tựa lưng vào thành giường, hai người cùng quay về một phía. Chị nhỏ nhẹ: “Bây giờ mình vỡ ra rồi, vì quá chú trọng đến đồng tiền...”. “Mà bạn đã bôi bẩn lên danh dự của chồng mình”. Nghe mấy chữ “bôi bẩn lên danh dự”, lo lắng hiện lên nét mặt, chị cầu cứu: “Cậu hiến kế cho mình với, mình mụ mẫm hết cả đầu óc”. Người bạn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Biết lỗi là cái thứ cần bây giờ, nhưng nhớ rằng, danh dự là cái thứ mà người ta cần cho đến chết”. Chị sốt ruột: “Nhưng mà mình phải làm thế nào bây giờ”. “Mình sẽ cùng cậu về nhà, nhưng trước khi về, mình chỉ khuyên cậu hai câu thôi”. Chị sốt ruột: “Cậu nói đi, mình nghe đây”. Người bạn với giọng nói rành rẽ, đầy triết lý nhân văn: “Thứ nhất là đừng lẫn lộn giữa tiền và đạo đức, đừng vì tiền mà giẫm đạp lên danh dự của chồng mình. Thứ hai là phải có độ dừng cần thiết, đáng lẽ cậu phải quay lại, khi anh ấy níu kéo”. Trên đường về, lòng chị ngổn ngang trăm nỗi, bây giờ chị mới thấy mình yếu đuối, may mà có người bạn cùng về, để làm chỗ dựa tinh thần cho chị.

Về đến cổng, anh tươi cười ra đón, chị như mở lòng mở dạ: “Anh không giận em chứ, đừng giận em tội nghiệp”. Anh không trả lời chị, nhưng vội vã bưng túi quần áo vào nhà.

Khách ra về rồi, anh mới bảo chị: “Em thấy không, chỉ có nhà mình mới là bến đỗ bình yên”.

Truyện ngắn của BÙI NGUYÊN NGỌC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ben-do-613110.ldo