Bên dòng sông Mã

ĐBP- Chúng tôi thả bộ trên con đường nhỏ ven bờ sông Mã, thuộc xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) - nơi quần tụ của các dân tộc anh em Việt - Lào sinh sống, trong đó, dân tộc Lào chiếm gần 30%. Từ bao đời nay người Lào ở Mường Luân sinh sống ổn định, coi đây như quê hương thực thụ của mình.

Thiếu nữ Lào múa lăm vông dưới chân tháp cổ Mường Luân (huyện Điện Biên Đông). Ảnh: C.T.V

Bên dòng sông đã gắn bó từ đời ông cha mình, ông Lò Ngọc Ánh, một người cao tuổi gốc Lào ở bản Mường Luân 1 đã kể với chúng tôi về lịch sử thiên di và cuộc sống của dân tộc Lào trên mảnh đất này. Điện Biên Đông thuộc lưu vực sông Mã, là địa bàn có hệ thống sông suối tương đối dày, nguồn nước dồi dào. Sông Mã chảy qua các xã: Phình Giàng, Háng Lìa, Mường Luân, Chiềng Sơ. Các bãi bồi ven sông suối đất đai màu mỡ, thuận lợi cho trồng, cấy. Đất lành chim đậu. Chẳng nhớ rõ từ năm nào, thế hệ ông bà của ông Ánh đã quyết định chuyển đến định cư cùng chung sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... ở Mường Luân. Chỉ tay về ngọn tháp sừng sững, ông Lò Ngọc Ánh nói: “Tháp Mường Luân là biểu tượng tình đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Lào, tự hào lắm!”.

Tương truyền vào năm 1569, triều đình Miến Điện đem quân tấn công nước Lào, một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh biên giới Việt Nam. Năm 1594, chiến tranh Miến - Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên. Tháp Mường Luân được xây dựng, biểu hiện cho tình đoàn kết Việt - Lào đùm bọc nhau trong loạn lạc. Bây giờ, thứ 6 hàng tuần, dưới chân tháp cổ lại rộn rã tiếng nói, cười lẫn tiếng chổi quét lá của học sinh trên địa bàn xã đến vệ sinh, dọn dẹp. Dưới chân tháp cổ, các em đã được nghe những người Lào cao tuổi kể những câu chuyện lịch sử, hành trình mưu sinh và tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trên đất Mường Luân. Những câu chuyện đó bắt đầu từ khi nào nhiều già làng cũng không rõ, chỉ biết rằng bao thế hệ người Lào ở Mường Luân đều thuộc để kể lại cho con cháu. Bên sông Mã, người Lào cấy lúa, trồng bông, người già chỉ bảo người trẻ, con cháu cách chọn bông, quay sợi, dệt những bộ thổ cẩm bền đẹp nhất để diện trong lễ Mừng cơm mới, tết Té nước và lễ Cúng Tháp. Vào mùa nước lên, con sông đem lại tôm cá, nước tưới và bồi đắp phù sa cho đất đai màu mỡ. Để tỏ lòng biết ơn, mỗi năm một lần, người dân tổ chức trọng thể, trang nghiêm lễ tạ sông. Người Lào rất coi trọng chọn lễ vật như là cách biểu thị lòng biết ơn của con cháu với cha ông, trời đất và thần sông núi đã yêu thương, che chở để người dân có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Theo khẩu truyền, ngày tháp Mường Luân hoàn thành, người Lào làm lễ cúng suốt ba ngày ba đêm để cảm tạ đất trời, thần sông núi và cảm tạ tình yêu thương các dân tộc ở Mường Luân đã đùm bọc, sẻ chia để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương.

Người Lào ở Mường Luân chăm chỉ, lại có kinh nghiệm với nghề trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, chài lưới trên sông nên rất ít hộ người Lào thiếu đói. Nếu chẳng may gia đình nào có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp họa thiên tai thì không ai bảo ai, những gia đình người Lào lại cộng sức giúp đỡ. Lối sống tình cảm, chân thành, mộc mạc của dân tộc Lào đã khiến nhiều chàng trai, cô gái Thái, Khơ Mú, Xinh Mun ở Luân Giói, Chiềng Sơ và cả người Kinh ở các tỉnh khác xin được làm con trong nhà.

Chia sẻ về những đóng góp của dân tộc Lào ở Mường Luân, ông Lò Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Luân cho biết: Cùng với nhân dân các dân tộc khác, những năm qua, cộng đồng người Lào ở Mường Luân luôn chung sức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con dân tộc Lào nhiệt tình góp của góp công thực hiện các tiêu chí. Tiêu biểu như ông Lò Văn Phúi, người Lào ở bản Mường Luân 1 đã hiến hơn 6.000m2 đất để xây Trường Tiểu học Mường Luân giúp trên 200 học sinh có lớp học kiên cố; ông Lò Văn Khến ở bản Mường Luân 1 không quản mưa nắng đi từng nhà vận động người dân góp công làm đường, vệ sinh thôn bản... Từ đó phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới cứ lan tỏa từ nhà này sang nhà khác, từ bản này đến bản kia, góp phần đưa Mường Luân trở thành xã đầu tiên của huyện Điện Biên Đông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống của người dân ngày càng đoàn kết, no ấm đủ đầy.

Anh Khôi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/199537/ben-dong-song-ma