Bên lăng Bác Hồ

Hình tượng Bác Hồ là đề tài vô tận cho giới sáng tác nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Đặc biệt, sau khi Người ra đi thì tình cảm của toàn dân, trong đó có các nghệ sĩ càng dào dạt cảm xúc yêu kính và tiếc thương. Từ đây, mọi người Việt đều ước ao trong đời mình được viếng thăm Bác để thỏa nỗi nhớ thương Người. Đó cũng là cái duyên âm nhạc thể hiện tình cảm về chủ đề thiêng liêng đầy xúc động này: Viếng lăng Bác!

Những ngày cuối năm 1974, khi miền Bắc đã không còn bom đạn Mỹ, miền Nam sắp tới ngày chiến thắng, lăng Bác được khẩn trương xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trong đoàn văn nghệ sĩ được tới thăm công trình đặc biệt này có nhạc sĩ Dân Huyền, người con đất Nghệ An quê Bác. Được thấy hình dáng tòa lăng giữa trời thu Ba Đình, nhạc sĩ rất xúc động. Dân Huyền khi đó là Trưởng phòng Dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong tâm thức nhạc sĩ cứ ngân vang giai điệu “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong, trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng. Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng. Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông…”. Có một điều rất lạ là nhạc sĩ Dân Huyền lại sử dụng giai điệu của dân ca Nam bộ đầy thiết tha. Lý giải điều này, ông cho biết, lúc đó miền Nam chưa giải phóng, niềm khắc khoải thiêng liêng nhất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam chính là được viếng thăm Bác, vì vậy bài hát phải thể hiện được điều đó.

Khi bài hát được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, một đồng nghiệp của nhạc sĩ Dân Huyền nhận xét: “Nghe kỹ “Bên lăng Bác Hồ”, ta thấy bài hát có giai điệu tha thiết, rất xúc động, với cảm xúc vừa dào dạt vừa lắng đọng, bằng tiết tấu thong thả, hơi chậm rãi, trang nghiêm, tôn kính mà vẫn dung dị, ngọt ngào. Những lời ca ngợi công đức vị lãnh tụ vĩ đại tưởng không thể còn lời nào hơn, nhưng lại rất dễ hiểu, chân thành, thấm đượm tình cảm gần gũi, thân thương của lãnh tụ với dân như ruột thịt trong nhà mà không một chút cầu kỳ, khuôn sáo”. Người đầu tiên vinh dự được biểu diễn thu âm chính là ca sĩ Kiều Hưng - giọng ca vàng thời đó. Cho đến hôm nay, “Bên lăng Bác Hồ” luôn là một trong những bài hát hay về Bác.

Ít lâu sau, công chúng lại được nghe “Chúng con canh giấc ngủ của Người”. Tác giả của bài hát là một chàng lính trẻ 23 tuổi tên Nguyễn Đăng Nước. Học trường nhạc được 3 tháng nhưng đầu năm 1973, Nguyễn Đăng Nước xung phong vào bộ đội. Cuối năm 1976, anh ra quân và có ghé thăm cha - một sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ lăng Bác. Được nghe, thấy những câu chuyện, hình ảnh thiêng liêng về Người, anh dâng lên niềm cảm xúc bằng giai điệu thiên bẩm của người học nhạc: Tạo cấu tứ, lời ca… cho đến khi hoàn thành và đem bản nhạc đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nhạc sĩ nổi tiếng làm việc ở Ban Âm nhạc như Phạm Tuyên, Văn Dung rất ngạc nhiên trước tác phẩm của chàng nhạc sĩ trẻ chưa học xong âm nhạc này và bản nhạc được phối khí thu âm ngay qua hai giọng ca Hữu Nội và Trần Thụ. Bài hát có giai điệu trong sáng, lời ca mượt mà thành kính, tha thiết: “Vinh quang con đứng bên Người. Canh cho Bác ngủ ngon giấc. Trên môi như Bác vẫn cười. Bác vui vì khắp non sông. Cháu con trở về sum vầy”. Bản nhạc vang mãi trên làn sóng điện, trong hội diễn ca nhạc của quân dân ta. Điều vinh dự là bản nhạc gốc của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - người con ở miền Nam nổi tiếng với những ca khúc phổ thơ về đề tài chiến tranh cách mạng, tuy nhiên ông lại chưa có duyên với chủ đề Bác Hồ. Rồi cuối cùng, nhà thơ Viễn Phương đã giúp ông thỏa nguyện với bài “Vào lăng viếng Bác”: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đã thấy trong sương hàng tre bát ngát, ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam, giông tố mưa sa đứng thẳng hàng. Hằng ngày mặt trời đi qua trên lăng. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày dòng người đi trong thương nhớ. Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Đây là bài hát đạt đỉnh cao về nghệ thuật từ lời ca tới giai điệu của Hoàng Hiệp.

Sau này, còn rất nhiều bài hát về quần thể thiêng liêng này như: “Vầng trăng Ba Đình” (Thuận Yến), “Tre ngà bên lăng Bác” (Hàn Ngọc Bích), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn)…

Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã ra đi tròn 50 năm nhưng tình cảm của toàn dân dành cho Người vẫn luôn dâng trào, vì Người là biểu tượng cao quý nhất của thời đại chúng ta: thời đại Hồ Chí Minh.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201908/ben-lang-bac-ho-8127659/