Bên nào nặng hơn?

Chiều 5-9, liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ tư liên tiếp, cũng là lúc tại Trạm thu giá dịch vụ BOT số 1 trên quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), nhiều lái xe đã phản đối bằng cách sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm, khiến giao thông ùn tắc cục bộ.

Một người dân sống gần trạm bức xúc, từ nhà ở Phố Nối, hằng ngày anh đi làm việc ở Như Quỳnh (Hưng Yên), quãng đường chỉ khoảng 10 km, song mỗi lượt qua trạm đều phải trả 40 nghìn đồng. Ngày nghỉ, muốn đưa vợ con đi ăn bát phở ngon ngon, nhưng tính cả xăng và phí BOT đã mất trăm nghìn đồng. Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, người dân chỉ có hai phương án trả tiền: phương án cao (đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), hoặc phương án thấp (đi quốc lộ 5 cũ), chứ không có phương án lựa chọn miễn phí.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp (DN) vận tải đều cho rằng, xăng dầu là yếu tố đầu vào, việc tăng giá đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá thành vận tải. Trên thực tế, giá xăng dầu hiện nay dù tăng liên tục thời gian qua, nhưng về giá trị, vẫn chưa bằng giá ở thời điểm trước đây. Giá xăng chưa vượt ngưỡng 18 nghìn đồng/lít, sẽ chưa thật sự tác động mạnh đến ngành vận tải. Phải qua ngưỡng đó, DN mới cần tính đến phương án điều chỉnh. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy mức giá hiện tại đã tiệm cận ngưỡng tăng.

Hiện nay, DN còn lo ngại trước việc Bộ Tài chính đề xuất tăng mạnh khung thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng và mới đây tiếp tục đề xuất tăng Thuế VAT các mặt hàng thiết yếu (trong đó có xăng, dầu). Nếu được Quốc hội thông qua, việc tăng hai loại thuế nêu trên sẽ khiến giá xăng, dầu tăng rất mạnh. Ðơn cử, xăng Ron A92 hiện nay giá 17.792 đồng/lít, nếu thuế bảo vệ môi trường tăng từ 3.000 đồng lên 6.000 đồng/lít và thuế VAT tăng từ 10% lên 12% thì giá xăng sẽ tăng thêm 5.113 đồng/lít, lên tới 22.727 đồng/lít. Lúc ấy, giá xăng sẽ gây áp lực rất mạnh lên DN.

Ông Thân Văn Thanh, một chuyên gia về vận tải cho hay, chi phí BOT đang thật sự là gánh nặng đối với DN. Nếu đi trên quốc lộ 1 (từ Bắc Giang đến Cà Mau), phải qua 42 trạm BOT, xe dưới chín chỗ phải trả mức 850 nghìn đồng, còn xe công-ten-nơ 40 feet, mức phí khoảng 4,2 đến 4,6 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị trạm BOT bủa vây dày đặc như từ Hà Nội đi Thái Bình, cung đường chỉ khoảng 100 km có tới bốn trạm thu,… Các dự án BOT giao thông thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, tuy nhiên, nhiều trạm BOT đang thu ở mức cao khiến người dân bức xúc.

Ðể tránh những hệ lụy trong tương lai, các bộ, ngành quản lý cần cấp bách hoàn thiện khung pháp lý BOT, bảo đảm sự minh bạch trong các dự án này. Ðồng thời, cần chấm dứt tình trạng "độc quyền về đường đi", phải có sự lựa chọn phù hợp cho người dân. Bởi hiện nay, có tình trạng người dân không thể đi trên quốc lộ nếu… không trả tiền giá dịch vụ BOT, dù quốc lộ là công sản quốc gia.

Năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là năm tập trung tháo gỡ các rào cản, giảm chi phí cho DN, từ những khoản chi phí chính thức cho tới không chính thức. Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn và cộng đồng DN vẫn phải chịu đựng gánh nặng oằn vai gồm nhiều chi phí, trong đó có chi phí xăng và BOT.

XÍCH TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34020902-ben-nao-nang-hon.html