Bến quê

Bến quê. Ảnh minh họa: Internet

Dù đi xa đã nhiều năm, nhưng mỗi lần có dịp về quê, tôi lại ra bờ sông hóng gió và ngắm những con đò chở khách qua sông.

Cái bến nhỏ trước cửa nhà có cái tên rất mộc mạc, dân dã: bến Đợi! Những bậc đá rêu xanh ẩn mình dưới bóng cây u tịch là nơi người lớn thường xuyên dọa bọn trẻ con mỗi khi chúng không vâng lời. Tuổi thơ tôi gắn với bến sông này, để rồi lớn lên và rời làng, tôi vẫn không thể nào quên những ngày thơ ấu ấy.

Hồi đó, tôi còn nhỏ lắm. Nhà chỉ có hai anh em. Cha mẹ đều là viên chức nên ngoài giờ đi học, chúng tôi được thả chơi tự do với lũ trẻ hàng xóm. Chiều chiều, chúng tôi rủ nhau ra bờ sông. Con trai, con gái túm năm, tụm ba bắt rạm, chơi trò trận giả hoặc nhặt những viên sỏi bẹt thi nhau ném thia lia trên mặt nước… Sau đủ các trò nghịch ngợm, tất cả lại tồng ngồng ùa xuống nước nô đùa chẳng biết đến xấu hổ là gì. Thôi thì những cây chuối, những chiếc chậu nhôm, chậu đồng méo mó, thậm chí đến cả những chiếc quần dài vá víu nhùng nhằng... cũng được đem ra làm phao bơi! Chúng tôi thi nhau vùng vẫy, hò hét chiếm cứ “giang sơn” của nhau làm đục ngầu cả một bến nước vốn rất yên bình và xanh trong. Có biết bao những buổi chiều như thế trôi qua trong cuộc đời lũ nhóc chúng tôi và có lẽ những kỷ niệm sẽ êm đềm mãi nếu như không có một buổi chiều định mệnh trong ngần ập đến.

Chiều ấy, sau cuộc chơi đuổi bắt, đứa nào đứa nấy mặt đỏ bừng bừng, tóc bết mồ hôi, mũi mồm thi nhau thở, quần áo đượm màu đất lại lũ lượt kéo nhau ào ra sông. Chẳng biết nghe ai bảo mà anh trai tôi mải mê đi tìm bắt cho bằng được một con chuồn chuồn ngô. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi anh hùng hồn tuyên bố: Đứa nào được chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ biết bơi! Anh tôi từ từ kéo chiếc áo đầy bụi lên, phơi ra một cái rốn lồi như quả táo con và dí cái đầu con chuồn chuồn vào đó. Chẳng biết con chuồn chuồn có cắn không, chỉ thấy anh tôi kêu “ái” rõ to. Đến lượt tôi được ưu tiên cho chuồn chuồn cắn rốn! Con chuồn chuồn cắn thật, bởi không muốn cũng phải cắn vì còn cách nào hơn khi cứ bị tay anh dúi mạnh cái đầu nó vào rốn. Qua tôi mới đến lượt những đứa khác. Tội nghiệp con chuồn chuồn, bị chúng tôi tranh nhau một hồi thì đầu đi đằng đầu, thân đi đằng thân, cánh đi đằng cánh, tơi tả!

Anh tôi là người tiên phong bỏ hết các loại phao tự chế, lần ra sông, vừa bơi, vừa bò trong tiếng reo hò, cổ vũ của cả bọn. Tôi đứng nhìn một lúc rồi nhếch mép cười: Con trai gì mà vừa bơi, vừa bò thế kia? Bỏ lũ bạn đang nhiệt tình cổ vũ trên bờ, tôi leo tót lên cây sung già cạnh đó, lần về phía cái cành chĩa ra mặt sông và nhảy tùm xuống nước. Bọt nước chưa kịp tan, lũ trẻ chưa hết ngạc nhiên thì tôi đã nổi lên… chới với và lại chìm. Cứ thế giã gạo, nhấp nhô đến vài lần mà không phát huy được hiệu nghiệm thần bí của con chuồn chuồn. Chân tay tôi khua khoắng loạn xạ, tiếng kêu cứu không kịp tròn lời thì nước sông đã ộc vào mồm, vào mũi. May sao lũ trẻ trên bờ kịp nhớ ra điều gì đó và kêu cứu ầm ĩ. Anh tôi thì cứ chạy trên bờ, theo hướng trôi của tôi. Vừa chạy, vừa kêu thảm thiết: Ai cứu! Cứu! Cứu em tôi!!!

Một chiếc đò con quay mũi theo hướng chỉ của anh tôi...

Ngày ấy đã qua lâu lắm rồi. Lũ trẻ chúng tôi giờ đã lớn. Mỗi đứa mỗi nơi, làm một nghề khác nhau. Song có lẽ ai cũng nhớ - nhất là tôi - vết cắn của con chuồn chuồn thuở ấy; càng không thể nào quên cuộc “đánh trận thật” dưới nước của mình vào một buổi chiều xa lắc... Tất cả chúng tôi giờ đã trưởng thành, mỗi lần về quê lại kéo nhau ra bến Đợi tìm lại kỷ niệm thuở thiếu thời. Người lái đò năm ấy đã không còn. Nhưng trong ký ức, tôi vẫn thấy người ấy đang chèo đò đâu đây, vẫn đón - đưa từng lượt khách qua sông, đưa tuổi thơ mỗi người trở về miền kỷ niệm.

VŨ KIM LIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/296778/ben-que.html