Bến Tre: Đề xuất nghiên cứu khoa học tìm nguyên nhân rừng chết

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre vừa có báo cáo, đề xuất các Sở, ngành chuyên môn tổ chức hội thảo nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân việc có gần 24ha rừng phòng hộ và đặc dụng xung yếu của tỉnh bị chết nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Gần 24ha rừng ngập mặn ven biển Bến Tre bị chết chưa xác định được nguyên nhân

Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre cho biết: Hiện nay, ngoài diện tích rừng trồng bị chết ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, thì các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng khác trên địa bàn 03 huyện ven biển vẫn có hiện tượng rừng đước bị chết rải rác, có nơi chết theo đám diện tích từ 0,3 - 2ha, có nơi cây chết từ các năm trước.

Kết quả kiểm tra diện tích rừng trồng, chủ yếu là cây đước bị chết với tổng diện tích là 23,94 ha; trong đó, huyện Ba Tri có 9,84ha, Thạnh Phú 14,10ha. Đây là rừng phòng hộ, đặc dụng xung yếu của địa phương được trồng từ năm 1985 - 1997. Trong số gần 24ha rừng bị chết, có 10,54ha rừng phòng hộ; 13,4ha rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái (11,37ha) và phân khu dịch vụ hành chính (2,03ha).

Cũng theo ông Nguyễn Thế Nghĩa, qua khảo sát, dự đoán ban đầu rừng chết có thể do 03 nguyên nhân sau: Thứ nhất là cạnh tranh về không gian dinh dưỡng, thứ hai là không đáp ứng việc điều tiết nước, và nguyên nhân thứ ba là do be bờ xung quanh lô rừng.

Giải thích về các nguyên nhân trên, ông Nghĩa cho biết: Do rừng trước đây được trồng với mật độ dày (10.000 cây/ha) với mục đích sản xuất kinh doanh là chính, nhưng khi quy hoạch lại 03 loại rừng, địa phương đã chuyển sang rừng phòng hộ và đặc dụng. Theo quy chế quản lý rừng đặc dụng nên không áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tác động để điều chỉnh mật độ. Vì vậy, trong quá trình phát triển, cây rừng có sự cạnh tranh không gian dinh dưỡng như: đất, nước, ánh sáng... dẫn đến sự thoái hóa, suy kiệt và chết dần.

Bên cạnh đó, trước đây, Ban Quản lý rừng (Lâm Ngư trường Bến Tre) có xây dựng mô hình “Lâm - Ngư kết hợp” mỗi ngư trường thường có 3 đến 5 cống đôi để điều tiết nước. Nhưng hiện nay, sau nhiều năm giao khoán các ngư trường trên chỉ còn từ 1 đến 2 cống, những cống đôi đã được thay thế bằng cống chiếc nên việc điều tiết nước không đáp ứng việc điều tiết nước cho ngập mặt đất rừng trong mùa Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 âl) nên cây rừng bị thiếu dưỡng chất (nước, phù sa) dẫn đến cây rừng bị suy kiệt.

Về giải pháp khắc phục, ông Nghĩa cho rằng: Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về việc chăm sóc, điều tiết nước trong vuông tôm. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp với Ban Quản lý rừng lập thủ tục xin thanh lý diện tích rừng chết theo đúng quy định. Đồng thời, cùng với các đơn vị liên quan kiểm tra, nhắc nhở các hộ nhận khoán thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm nếu xảy ra vi phạm.

“Trước mắt, chúng tôi tiến hành tham mưu lãnh đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của rừng đước trồng tại Bến Tre và đề xuất giải pháp nuôi dưỡng rừng; quản lý, sử dụng rừng hợp lý, bền vững nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác rừng bị chết để có phương án chăm sóc, quản lý rừng thời gian tới có hiệu quả hơn”, ông Nghĩa thông tin.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/ben-tre-de-xuat-nghien-cuu-khoa-hoc-tim-nguyen-nhan-rung-chet-1258495.html