Bến Tre ứng phó nước mặn xâm nhập nội đồng

Từ đầu tháng tư năm nay, nước mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào các cửa sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Chính quyền địa phương cùng người dân đang tích cực các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Hiện tại, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền tại tỉnh Bến Tre gần 60 km. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống nước mặn năm 2018; trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong mấy ngày qua, độ mặn 4‰ trên các sông chính đã xâm nhập đến khu vực xã Tân Bình Thành (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 44 km; độ mặn 1‰ trên các sông chính đã xâm nhập đến khu vực sông Hàm Luông thuộc xã Tiên Thủy (huyện Châu Thành) và xã Phú Mỹ (huyện Mõ Cày Bắc), cách cửa sông khoảng 60 km. Nước mặn đã xâm nhập sâu hơn so cùng kỳ năm 2017 nên các địa phương đang tích thực hiện các giải pháp phòng, chống nước mặn xâm nhập vào đất liền.

Ngay từ đầu mùa khô, xã Bình Thới (huyện Bình Đại) và xã An Hiệp (huyện Ba Tri) bị nước mặt xâm nhập nên không thể sử dụng nước dưới sông được. Khi nhà nước phát động phong trào trữ nước ngọt, người dân ở đây đã chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho gia đình trong suốt mấy tháng mùa khô.

Chủ tịch UBND xã An Hiệp (huyện Ba Tri), Lê Văn Chiến thông tin: “Hiện nay, nước mặn đã bủa vây nên chính quyền địa phương cho đóng tất cả cống ngăn nước mặn trên địa bàn. Vì vậy, ở ngoài đê bao độ mặn đã lên đến 10‰ nhưng phía trong nội đồng chỉ 0,4‰ nên bảo đảm tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt cho bà con. Ở vùng ngoài đê bao, ven sông Hàm Luông có độ mặn cao người dân chủ động trữ nước ngọt để bảo đảm dùng trong sinh hoạt hằng ngày”.

Nhờ chủ động các giải pháp ứng phó nên toàn bộ 675 ha lúa của địa phương không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hiện nông dân đang thu hoạch dứt điểm với năng suất ước đạt trên sáu tấn/ha. Các loại cây trồng khác như: dừa, hoa màu, cây ăn trái… cũng được bảo vệ tốt.

Tại những vùng sâu trong đất liền, ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, nhiều nông dân cũng chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, điều mà mấy năm trước họ còn rất xa lạ vì vùng này nước ngọt quanh năm.

Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre), Nguyễn Quang Thương cho biết, cơ quan chức năng đang theo dõi sát tình hình diễn biến của xâm nhập mặn để kịp thời vận động nhân dân đóng các đập ngăn mặn tạm nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; thường xuyên đo độ mặn để khuyến cáo người dân bơm tưới, sử dụng nước ở thời điểm độ mặn giảm…

Ngành nông nghiệp thường xuyên đo độ mặn để đóng cống trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35982802-ben-tre-ung-pho-nuoc-man-xam-nhap-noi-dong.html