Bến Tre xã hội hóa để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dạy nghề

Công tác đào tạo nghề được xem là một trong các giải pháp đột phá để phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Thời gian qua, công tác này luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể nhờ vậy đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo ông Nguyễn Minh Lập – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre: Việc đào tạo nghề cho toàn tỉnh có chuyển biến tích cực, các cơ sở dạy nghể được đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị đủ đáp ứng quy mô đào tạo. Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ được thực hiện tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề có việc làm ổn định. Đào tạo trung cấp, cao đẳng tại các trường từng bước thu hút số lượng học viên tham gia học nghề. Nhiều trung tâm GDNN - GDTX liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh đào tạo trung cấp tại huyện. Từ sự chuyển biến này đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Nghề đan lục bình mang lại nguồn thu cho lao động nông thôn

Nghề đan lục bình mang lại nguồn thu cho lao động nông thôn

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang có có 22 cơ sở GDNN, trong đó có 15 cơ sở GDNN công lập và 07 cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp và tư thục gồm: 02 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 09 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 01 trung tâm dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và 01 trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù tỉnh, 01 Trung tâm dịch vụ việc làm, 07 cơ sở khác có tham gia dạy nghề (trong đó có 6 doanh nghiệp và 01 cơ sở dạy nghề tư thục). Nhìn chung, các cơ sở GDNN công lập hoạt động tương đối tốt, có nề nếp trên các lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo từ trình độ sơ cấp, thường xuyên, đến cao đẳng, chế độ thông tin báo cáo… Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp cho Bến Tre thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong công tác đào tạo nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng.

Chỉ tính năm 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 10.219 người, trong đó trình độ cao đẳng là 545 người, trình độ trung cấp là 853 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 8.821 học viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,10%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,05%. Các ngành nghề đào tạo gồm: Cắt gọt kim loại; điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; điện tử dân dụng; kế toán doanh nghiệp; quản trị mạng máy tính; lắp ráp và cài đặt máy tính, tin học ứng dụng; công nghệ ô tô; may và thiết kế thời trang; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ thực phẩm, chế biến thủy sản; quản trị khách sạn, quản trị văn phòng, Việt Nam học, quản lý văn hóa, thanh nhạc, điều dưỡng, dược trung cấp, giáo dục mầm non…

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đào tạo các nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên như: kỹ thuật chăm sóc dừa; nhóm nghề chăn nuôi (heo, bò, dê, gia cầm, thủy sản), kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ; điện cơ; điện dân dụng; may công nghiệp; đan đát, đan ghế, kỹ thuật nề, may giỏ tự hoại, bó chổi cọng dừa, đan ghế nhựa, đan bội kẽm, cấp dưỡng, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật bon sai – cây kiểng, kỹ thuật kết hoa vải, ...

Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng, tổ chức dạy nghề phù hợp với thực tế và nhu cầu xã hội nên tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 80%. Một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm đạt 100% sau 03 tháng tốt nghiệp như nghề Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại. Đối với sơ cấp và đào tạo thường xuyên chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956, tổ chức đào tạo theo nhu cầu từng địa phương sau khi hoàn thành khóa học giải quyết việc làm tại chỗ và phục vụ cho lao động sản xuất tại địa phương. Sau khi tốt nghiệp có khoảng trên 80% người lao động tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Cùng với đó, người học nghề nông nghiệp đã áp dụng kiến thức học tập vào điều kiện sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Nhìn chung, qua kết quả đào tạo nghề có trên 80% lao động được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, tự tạo việc làm hoặc áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào điều kiện sản xuất tại hộ gia đình, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Dạy nghề sửa chữa máy ở Bến Tre

Năm 2019, Bến Tre đặt ra mục tiêu, tổ chức tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ là 11.000 người, trong đó: cao đẳng là 800 người; trung cấp là 2.100 người; sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng là 8.100 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 29%. Để thực hiện thành công, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về giáo dục nghề nghiệp, làm chuyển biến thực sự nhận thức của người dân trong việc học nghề và việc làm sau đào tạo. Củng cố bộ máy tổ chức các trường và trung tâm GDNN - GDTX công lập, tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đủ về số lượng và chất lượng, đạt chuẩn theo quy định. Các cơ sở GDNN thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh và đổi mới chương trình học, giáo trình, biên soạn chương trình đào tạo mới phù hợp với tiến bộ của khoa học - công nghệ, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn và gắn với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nhằm hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp đa dạng, phục vụ cho nhu cầu học tập của người lao động.

NGỌC TÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ben-tre-xa-hoi-hoa-de-hoan-thanh-vuot-muc-chi-tieu-day-nghe-d96259.html