Bên trong 'bệnh viện trên không' chuyên chở người mắc Covid-19

Những chiếc máy bay này vốn dĩ được dùng để đưa thương binh trở về nước từ vùng chiến. Hiện tại, nó đã vận chuyển được 24 bệnh nhân mắc virus corona.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày một leo thang, chính phủ Pháp quyết định sử dụng máy bay quân y để đưa những bệnh nhân nặng từ các tuyến viện quá tải đến nơi có khả năng điều trị tốt hơn.

Hệ thống y tế trên không tên gọi Morpheé cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, đầy đủ như bệnh viện thông thường. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2006, Morpheé đã 5 lần được sử dụng cho các cuộc di tản quân sự ở nước ngoài.

Nhưng bắt đầu từ ngày 18/3, chính phủ Pháp lần đầu tiên sử dụng hệ thống này cho mục đích dân sự khi chuyển 6 bệnh nhân mắc Covid-19 từ bệnh viện bị quá tải ở Mulhouse, thành phố phía Đông nước Pháp đến các bệnh viện quân y ở Marseille và Toulon.

Tính từ ngày 22-27/3, Morpheé đã chuyển được gần 20 người từ Mulhouse đến những thành phố khác như Bordeaux hay Quimper.

 Hệ thống Morphee trên máy bay A330 Phénix. Ảnh: Meretmarine.

Hệ thống Morphee trên máy bay A330 Phénix. Ảnh: Meretmarine.

Trang thiết bị y tế hiện đại

Morpheé giống như một ICU (Intensive Care Unit - Đơn vị điều trị tích cực) được lắp ráp bên trong máy bay và có thể dỡ bỏ khi không cần thiết, biến chiếc máy bay thành bệnh viện dã chiến trên không chỉ mất khoảng vài giờ.

Các trang thiết bị trong hệ thống có thể đặt nội khí quản và thở máy cho tối đa 6 bệnh nhân. Nhưng nếu chỉ đặt nội khí quản, sức chứa của nó có thể tăng gấp đôi.

Bệnh nhân ở trên máy bay sẽ được đặt vào cáng với dây an toàn như trang phục của phi công. Cáng có bánh xe điều chỉnh cho bệnh nhân nằm hoặc vừa ngồi vừa nằm với hai chân nâng lên.

Ngoài ra, hệ thống này còn trang bị máy Propaq 100 theo dõi nhịp tim, hô hấp, huyết áp và nhiệt độ, cũng như hỗ trợ đo nồng độ carbon dioxide trong khí thở. Thuốc tiêm vào tĩnh mạch cũng được cung cấp để sẵn sàng cho các trường hợp cần thiết.

Morpheé còn được trang bị máy thở điện Carefusion LTV 1200 chạy bằng tua-bin, tự động bù cho việc giảm 4% oxy trong máu khi di chuyển trên không.

Nếu hết bình oxy, máy thở này còn có thể sử dụng không khí trong cabin và tự tạo áp lực. Trong trường hợp không may xảy ra mất điện, Morpheé có máy thở khí nén độc lập theo tiêu chuẩn Medumat.

Ngoài ra, Morpheé còn được trang bị hệ thống chiếu sáng 1.000 lux, tương đương ánh sáng thông thường ở phòng phẫu thuật, cũng như các đèn báo âm thanh, ánh sáng và ổ cắm điện dự phòng.

Đưa bệnh nhân từ bệnh viện Mulhouse, Pháp tới bệnh viện khác bằng trực thăng ngày 17/3. Ảnh: Lavoixdunord.fr.

Bên cạnh đó, còn có một số tủ và ngăn kéo chứa vật dụng chăm sóc bệnh nhân như ống tiêm. Ở hai bên lối đi có tủ lạnh lưu trữ máu, thuốc và các ngăn chứa dự trữ, cung cấp năng lượng cho hệ thống siêu âm, máy khử rung tim và máy điện tâm đồ. Các tủ còn lại chứa xe đẩy cho những trường hợp cần thiết.

Thuốc và những phương tiện chữa trị khác cũng được chuẩn bị đầy đủ trong một chiếc tủ có đèn chiếu sáng với 40 ngăn kéo. Trong cabin còn có phòng thí nghiệm nhỏ cho phép nhân viên y tế thực hiện đo khí máu động mạch, kiểm tra lượng oxy và carbon dioxide trong cơ thể, đo nồng độ các khoáng chất như natri, kali cũng như nồng độ huyết sắc tố.

Ở trung tâm khoang máy bay là không gian hành chính với bàn làm việc và trạm theo dõi bệnh nhân trên các màn hình quan sát.

Tiêu chuẩn máy bay di tản chiến lược

Hiện nay, Morpheé không nằm trong khoang máy bay mà được thiết kế tách rời nhưng vẫn có thể nhập vào khi cần thiết. Pháp có 2 hệ thống Morpheé, chiếc gần đây nhất đang sử dụng trên máy bay A330 Phénix là bước cải tiến lớn so với mô hình trên C-135 cũ.

Morpheé trên máy bay A330 Phénix cho phép vận chuyển 16 bệnh nhân, trong đó có 4 người cần chăm sóc đặc biệt và 12 người bị thương nhẹ quay trở lại Pháp từ gần 12.000 km mà không cần dừng lại tiếp nhiên liệu.

Ngoài ra, A330 Phénix cũng thoải mái hơn nhiều so với C-135. Nó nhẹ, yên tĩnh, rộng rãi hơn với cửa sổ và cabin rộng khoảng 5 m.

Pháp có 2 hệ thống Morpheé, chiếc gần đây nhất đang sử dụng trên máy bay A330 Phénix là bước cải tiến lớn so với mô hình trên C-135 cũ. Ảnh: Le Figaro.

A330 Phénix được NATO chứng nhận đủ tiêu chuẩn máy bay di tản chiến lược với hệ thống thiết bị y tế hiện đại và đầy đủ, khả năng tiếp cận bệnh nhân dễ dàng, phạm vi di chuyển dài cùng khoang chứa có thể phục vụ được lượng lớn bệnh nhân.

Ngoài Pháp, không quân các nước như Mỹ, Anh và Đức cũng sử dụng hệ thống tương tự trên các máy bay quân sự để hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân ở những vùng tâm dịch. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít những quốc gia có khả năng chuyển đổi máy bay thành hệ thống y tế chuyên dụng.

Hiện nay, 14 chiếc C135 của Pháp đã được thay thế bằng 15 chiếc A330 Phénix trang bị hệ thống điện với công suất 1.000 W.

Ngoài ra, các thiết bị chăm sóc y tế như cáng, thiết bị lưu trữ, đơn vị chuẩn bị thuốc và theo dõi bệnh nhân cũng được công ty công nghệ Air Ambulance cung cấp cho quân đội Pháp.

Trong khi đó tại Mỹ, hải quân nước này cũng đang cho các tàu phục vụ y tế đến những vùng tâm dịch như New York hay Los Angeles.

Đại Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ben-trong-benh-vien-tren-khong-chuyen-cho-nguoi-mac-covid-19-post1067366.html