Bên trong Nhà hát Lớn có gì đặc biệt?

Nhà hát lớn Hà Nội là công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu Nhà hát Opera Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn.

Nhà hát lớn Hà Nội được xem là bản sao của Nhà hát Opera Garnier ở Paris. Từ đầu thế kỷ 20, công trình này đã giữ vai trò là biểu tượng văn hóa, lịch sử và kiến trúc của Hà Nội cho đến ngày nay.

Không gian ngay lối vào chính sảnh với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng 2, gạch lát nền sử dụng loại đá cẩm thạch, hệ thống đèn chùm nhỏ treo tường được mạ đồng theo lối cổ, đèn chùm pha lê phía trên cao được mạ một lớp vàng tinh xảo.

Công trình có chiều dài 87m, bề ngang trung bình 30m, phần đỉnh mái cao nhất 34m so với nền đường trên diện tích xây dựng khoảng 2.600m2.

Nhằm đưa Nhà hát Lớn trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, BQL Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với Tổng Cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức lễ khai trương mở cửa tham quan Nhà hát Lớn với chủ đề "Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống".

Khán phòng của Nhà hát có kích thước 24x24m với sân khấu lớn, ba tầng ghế, tổng cộng 586 chỗ ngồi.

Nhà hát lớn Hà Nội là chứng nhân lịch sử của Thủ đô, không chỉ có giá trị về kiến trúc, đây còn là nơi chứng kiến những cuộc ""đụng chạm" đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam.

Mang trong mình vẻ đẹp về thẩm mỹ và lịch sử, tuy nhiên Nhà Hát Lớn vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người thậm chí là người dân Thủ đô.

Phòng Khánh Tiết hay còn gọi là phòng Gương. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng, lễ ký kết các văn kiện của Chính phủ hay đón tiếp các nhân vật cao cấp. Sàn phòng gương được làm theo kỹ thuật Mozaic với đá mang đến từ Italia. Trên tường, xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp. Phòng đã tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia và các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như: Tổng thống Nga V.Putin, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Nhà Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Chủ tịch Microsoft Bill Gates...

Dấu tích vết vết đạn trong trận Hà Nội 1946 vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Đây là trận đánh mở màn Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa lực lượng Việt Minh và quân viễn chinh Pháp, bắt đầu ngày 19/12 /1946, kết thúc ngày 18/2/1947.

Những chi tiết kỳ công, tỷ mỉ độc đáo và đậm màu của lịch sử.

Được biết, để tham quan nhà hát lớn, du khách phải mua vé bao gồm gói xem chương trình nghệ thuật trước sau đó mới tham quan với giá 400.000đ.

Nhiều du khách cho biết, mức giá trên là chưa hợp lý. Ông Thắng (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi biết thông tin trên TV thì tôi đã đưa bố vợ đi xem. Trong đó không hề thông báo việc mua vé hay hình thức vé như thế nào, tuy nhiên vấn đề vé chưa hợp lý. Nhiều người chúng tôi chỉ có nhu cầu tham quan chứ không có nhu cầu xem nghệ thuật. Có nên chăng cần phải cân đối lại vấn đề giá vé để người dân có thể được tham quan rộng rãi hơn".

Đại diện ban quản lý nhà hát lớn cho biết thêm, trong 4 tháng cuối năm 2017, Nhà Hát Lớn sẽ tiếp tục mở tour tham quan Nhà Hát vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Cho tới hết năm 2017, tùy vào lượng khách, Nhà Hát sẽ mở riêng gói tham quan còn trước mắt vẫn là ó cả thăm quan và cả xem nghệ thuật truyền thống.

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/kham-pha-ben-trong-nha-hat-tram-tuoi-giua-thu-do-post236205.info