Bên trong phòng thí nghiệm nuôi những con lợn mang nội tạng cấy ghép cho con người

Trong vòng 1 năm nữa, các nhà khoa học ở Hàn Quốc định sẽ ghép giác mạc của lợn lên cơ thể con người. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Trong vòng 1 năm nữa, các nhà khoa học ở Hàn Quốc định sẽ ghép giác mạc của lợn lên cơ thể con người. Trong khi đó, một số nhóm nghiên cứu trên khắp lãnh thổ nước Mỹ cũng đang phát triển công nghệ với hy vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người trong vài năm tới. Ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts, 6 bệnh nhân bị bỏng đang được thử nghiệm ghép tạm thời loại da có nguồn gốc từ da lợn.

Tại trường đại học y khoa Alabama (UAB), các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch ghép thận và tim lợn vào người trưởng thành cũng như trẻ sơ sinh đang gặp vấn đề về tim mạch. Ở Cambridge, một công ty khởi nghiệp có tên eGenesis cũng đang ngày đêm làm việc nhằm chỉnh sửa gen tế bào lợn, với mục tiêu sau cùng là tạo ra những con lợn với nội tạng có thể cấy dùng để ghép cho người một cách an toàn. Vấn đề hiện tại của công nghệ này, theo đại diện của eGenesis, có chăng chỉ là thời gian.

Khoảng 8.000 người chết mỗi năm trong khi chờ có cơ quan cấy ghép. Do nhu cầu đối với các cơ quan hiến tặng là rất cao, các nhà khoa học từ lâu đã muốn sử dụng nội tạng từ động vật, thông qua một thủ tục cấy ghép được gọi là “xenotransplant”. Tuy nhiên, những cố gắng trước đó tỏ ra không mấy khả quan. Vào những năm 1960, nhiều bệnh nhân đã chết sau khi được ghép nội tạng từ khỉ đầu chó và tinh tinh, do không nhận được sự chấp nhận từ hệ miễn dịch của cơ thể. Các thí nghiệm ban đầu cho thấy cơ thể người của chúng ta mất khoảng 5 phút để từ chối một cơ quan từ loài khác.

Để thận, tim hoặc phổi của lợn có thể được ghép an toàn vào cơ thể người, hệ miễn dịch lúc bấy giờ cần bị đánh lừa để nó không thể nhận ra cơ quan ghép vào có nguồn gốc từ loài khác. Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR ra đời nhằm hiện thực hóa ý tưởng này. Ứng dụng công nghệ này, eGenesis đã thành công trong việc loại bỏ khỏi gen lợn nhóm virus có thể gây hại cho sức khỏe của con người sau cấy ghép. Hiện tại, họ đang tiếp tục làm việc nhằm loại bỏ đi các dấu hiệu giúp hệ miễn dịch nhận dạng tế bào ngoại lai, từ đó không hình thành phản ứng đào thải sau khi tiến hành phẫu thuật cấy ghép.

Năm 2016. một nhóm các nhà khoa học tại Đại học California (Mỹ) thành công trong việc tạo ra phôi thai nửa người nửa lợn, với tiềm năng vô cùng hứa hẹn đó là phát triển các cơ quan của con người bên trong cơ thể lợn, và ‘thu hoạch’ chúng khi cần thiết. Trong một nghiên cứu công bố gần đây trên tạp chí Nature, khỉ đầu chó trong một thí nghiệm có thể sống sót trong vòng 6 tháng với trái tim lấy từ một con lợn được chỉnh sửa gen, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của xenotransplant.

Lợn được cho là một "vườn ươm lý tưởng" để thu hoạch nội tạng con người nhưng ngoài các vấn đề cần xử lý về mặt sinh học như bị đào thải hay ngăn chặn lây lan virus, tồn tại các trở ngại nhất định nếu xét khía cạnh đạo đức. Peter Stevenson đến từ Compassion in World Farming - một tổ chức bảo vệ động vật, cho biết trong bài phỏng vấn với BBC: "Tôi lo lắng về việc mở ra một nguồn động vật ‘bất hạnh’ mới. Trước mắt, cần khuyến khích nhiều người hiến tạng hơn. Nếu vẫn còn thiếu, chúng ta có thể xem xét sử dụng lợn, nhưng khi đó, chúng ta cần ăn ít thịt đi để không có sự gia tăng tổng thể về số lượng lợn được sử dụng cho các mục đích của con người”.

Với trình độ kỹ thuật hiện tại, các nhà khoa học có thể tạo ra ít nhất 50 con lợn với nội tạng có thể ghép cho người chỉ trong vòng 9 tháng. Và tiềm năng của loài lợn không chỉ nằm ở khả năng cung cấp cơ quan cấy ghép. Sau cùng, lợn được cho là còn có thể sử dụng để sản xuất tế bào tiểu đảo, một cụm tế bào tuyến tụy đóng vai trò sản xuất hormone cần thiết cho người mắc bệnh tiểu đường. Máu lợn sau khi biến đổi cũng có thể được truyền chơc thể người. Chưa hết, ngay cả các tế bào sản xuất dopamine cũng có thể tạo ra từ lợn, sau đó cấy vào các bệnh nhân bị Parkinson. Rõ ràng, đây là một cuộc cách mạng trong y học của nhân loại.

Theo Tinh Tế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201904/ben-trong-phong-thi-nghiem-nuoi-nhung-con-lon-mang-noi-tang-cay-ghep-cho-con-nguoi-2436945/