Bên trong tàu HMS Spey của Hải quân Anh cập cảng Nhà Rồng

Tàu tuần tra HMS Spey của Hải quân Hoàng gia Anh được lắp đặt nhiều công nghệ thân thiện với môi trường, cũng như phục vụ các hoạt động tuần tra hàng hải.

 Chiều 7/2, tàu tuần tra xa bờ của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Spey, do Trung tá Thuyền trưởng Michael Proudman chỉ huy đã cập cảng bến Nhà Rồng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại TP.HCM.

Chiều 7/2, tàu tuần tra xa bờ của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Spey, do Trung tá Thuyền trưởng Michael Proudman chỉ huy đã cập cảng bến Nhà Rồng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại TP.HCM.

HMS Spey là một trong những con tàu “thân thiện với môi trường” nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, có nhiều hoạt động khảo sát môi trường và thủy văn, cũng như lấy mẫu nước để hỗ trợ các nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Tàu HMS Spey còn có sàn đáp 20 m phục vụ hạ cánh và tiếp nhiên liệu, có kích thước bằng một chiếc trực thăng Merlin.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ, thiếu úy Ellen Moore nói rằng việc trở thành bác sĩ trên tàu là vinh dự vì cô có thể trò chuyện với thuyền viên mọi cấp bậc. Không chỉ đảm bảo các thuyền viên có cơ thể khỏe mạnh, thiếu úy Moore còn hỗ trợ họ về sức khỏe tinh thần. "Khi là bác sĩ duy nhất trên tàu, bạn sẽ gặp nhiều áp lực", cô nói, thêm rằng mình may mắn chưa gặp trường hợp khẩn cấp nào.

Thiếu úy Moore cho biết việc khám chữa bệnh trên tàu có nhiều trải nghiệm khác biệt so với tại các bệnh viện thông thường. Các thuyền viên là người có sức khỏe và đã được kiểm tra nên không có nhiều trường hợp bác sĩ trên tàu phải giải quyết bệnh mạn tính thường gặp ở người già và trẻ em. Tuy vậy, bác sĩ trên tàu phải trải qua khóa đào tạo xử lý những căn bệnh và triệu chứng đặc biệt, như khi thủy thủ gặp vấn đề sau khi lặn dưới nước hay những triệu chứng phi công có thể mắc phải.

Thủy thủ đoàn đang làm việc tại phòng điều khiển chính của tàu HMS Spey. Những thuyền viên ở đây nói rằng con tàu có nhiều hoạt động, bao gồm các cuộc diễn tập đảm bảo an ninh hàng hải. Ngoài ra, HMS Spey cũng tham gia hỗ trợ hải quân các nước khác và hoạt động tuần tra.

Trung úy Christopher Wykes cho biết mỗi ngày, ông làm việc ở buồng lái. Công việc của ông là duy trì và đảm bảo khả năng vận hành và hệ thống vũ khí sẵn sàng hoạt động. Ngoài ra, ông còn là sĩ quan giám sát phụ trách nhiệm vụ theo dõi hướng đi của tàu và đảm bảo lộ trình an toàn.

Bà Hannah Chenery (thủy thủ đoàn) nói mình đã ở trên tàu trong hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Tonga sau vụ phun trào núi lửa vào đầu năm 2022. "Chúng tôi tiếp nhận nước ngọt và đồ tiếp tế từ một cảng khác, sau đó mang chúng đến những nơi cần sự giúp đỡ. Thật tuyệt khi có thể hỗ trợ những người gặp khó khăn", bà nói.

Đại úy Wykes cho biết HMS Spey cùng tàu "chị em" là HMS Tamer là hai tàu duy nhất của Hải quân Anh đang hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương.

Josh Stannett (kỹ thuật viên điện tử của HMS Spey) cho biết sở dĩ con tàu này thuộc nhóm những tàu "xanh nhất" là bởi nó sử dụng hệ thống xả AdBlue. Ông Wykes cho biết hệ thống AdBlue giúp con tàu giảm hơn 90% lượng khí thải nitro so với tàu thông thường.

Phòng Chiến tranh trên tàu HMS Spey, khu vực họp chính của các thuyền viên trên tàu. Tàu HMS Spey đã cập cảng Nhà Rồng vào ngày 7/2 và sẽ ở TP.HCM đến ngày 11/2. Con tàu đến vào thời điểm quan trọng, khi Việt Nam và Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thiết bị chuyên dụng được trang bị trên tàu dùng trong trường hợp cứu hỏa.

Trung úy Wykes cho biết mình cùng nhiều thuyền viên có kế hoạch khám phá Việt Nam trong hai ngày tới. "Tôi nghe nói ở đây sẽ khá ấm áp, đẹp và có nhiều cây xanh", ông nói.

Duy Anh, Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ben-trong-tau-hms-spey-cua-hai-quan-anh-cap-cang-nha-rong-post1400009.html