Bến xe miền Đông chưa đạt 50% công suất vận chuyển khách

Được đầu tư hiện đại, nhưng thời gian qua, sản lượng hành khách tại Bến xe miền Đông mới chưa hiệu quả như kỳ vọng, chưa đạt 50% công suất.

Bến xe miền Đông mới. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Một số tuyến giảm chuyến hoặc ngừng khai thác do ít khách. Đây là nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh.

Bến xe miền Đông mới được phê duyệt năm 2016 do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 773 tỷ đồng (phần xây dựng).

Bến xe khi hoàn thành dự kiến phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm đến, đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.

Tháng 10/2020, Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động với việc di dời giai đoạn 1 là các tuyến hoạt động tại Bến xe miền Đông có lộ trình đến và đi các địa phương từ Quảng Trị trở ra phía Bắc.

Giai đoạn 2 thực hiện từ 11/10/2022, di dời toàn bộ các tuyến cố định liên tỉnh đang hoạt động tại Bến xe miền Đông sang Bến xe miền Đông mới (trừ các tuyến có hành trình chạy xe qua Quốc lộ 13 – đường Hồ Chí Minh).

Theo danh mục chi tiết mạng lưới tuyến do Bộ Giao thông Vận tải công bố tháng 7/2022, tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại Bến xe miền Đông mới là 192 tuyến, nhưng bến xe hiện đang khai thác 57.

Tổng số chuyến qua bến xe bình quân ngày theo biểu đồ chạy xe là 2.099 chuyến nhưng đang hoạt động 441 chuyến, chỉ đạt tỉ lệ 21% so với biểu đồ chạy xe. Sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh qua bến xe bình quân ngày (từ 11/10/2022 đến 17/3/2023) là 2.651 hành khách.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, sau khi di dời giai đoạn 2, một số đơn vị vận tải thuộc các tuyến di dời giai đoạn 2 đã giảm chuyến hoặc ngừng khai thác do ít khách tại bến.

Tình trạng xe khách đón trả khách không đúng quy định có chiều hướng gia tăng, chủ yếu trên địa bàn quận Bình Thạnh, Quận 1 và thành phố Thủ Đức do một số đơn vị vận tải hoạt động đón trả khách ngoài bến xe.

Về nguyên nhân, Sở Giao thông Vận tải cho biết, thói quen đi lại của hành khách đến Bến xe miền Đông mới chậm được hình thành; hạ tầng giao thông xung quanh bến xe mới chưa được hoàn thiện, loại hình giao thông công cộng lớn (metro) chưa kết nối bến xe, chưa thuận lợi cho xe khách ra vào bến. Cùng với đó, các bến xe liên tỉnh chịu tác động lớn do dịch COVID-19, sản lượng hành khách còn thấp so với trước dịch.

Trong khi đó, phương án tổ chức phương tiện trung chuyển hành khách đi, đến bến xe mới miễn phí của Công ty cổ phần xe khách Phương Trang và Samco thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Nguyên nhân một phần do chưa có sự cộng tác, phối hợp tốt của các đơn vị vận tải do còn tâm lý lo ngại việc trung chuyển thiếu khách quan dẫn đến mất khách.

Để bến xe hoạt động hiệu quả, Sở Giao thông Vận tải cho rằng cần phải sớm hoàn thành đồng bộ các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông khu vực và các hạng mục còn lại của Bến xe miền Đông mới nhằm đảm bảo mục tiêu của dự án là phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị.

Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo thanh tra tăng cường, kiểm tra, chủ động rà soát các vị trí có tình trạng đón trả khách không đúng quy định để phối hợp với công an, quận huyện xử lý.

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo Samco tiếp tục nghiên cứu phương án miễn, giảm giá sử dụng dịch vụ tại Bến xe miền Đông mới và hỗ trợ chỗ đậu cho các xe taxi, xe hợp đồng điện tử; chủ trì phối hợp với các đơn vị vận tải xây dựng phương án tổ chức phương tiện tiếp chuyển, trung chuyển hành khách đi, đến bến xe mới đảm bảo khách quan…/.

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-xe-mien-dong-chua-dat-50-cong-suat-van-chuyen-khach/285909.html