Bến xe Miền Đông mới: Bước đệm của TP Thủ Đức tương lai

Bến xe Miền Đông mới có vai trò giúp giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP và là bước đệm cho sự phát triển của TP Thủ Đức trong tương lai.

Hôm nay (10-10), Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (Samco) phối hợp với Sở GTVT TP.HCM tổ chức lễ khai trương Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới.

Đây là dự án trọng điểm nhằm chống ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP.HCM. Đồng thời, vị trí của bến xe mới được kỳ vọng là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP Thủ Đức tương lai.

Sẵn sàng vận hành bến xe

Theo ghi nhận của PV, BXMĐ mới có diện tích hơn 16 ha được thiết kế không gian mở, thông thoáng. Khối nhà ga của bến xe gồm hai tầng hầm và hai tầng nổi cùng các sảnh đón khách, bãi chờ tài, các khu chức năng tiện ích.

Bến xe được xây dựng rất khang trang, đường được thảm nhựa thẳng tắp với nhiều khối cây xanh tạo cảnh quan cho bến xe.

Bên trong nhà ga là khu vực sảnh bán vé rộng rãi, thoáng mát với đầy đủ tiện nghi như máy điều hòa, WiFi miễn phí.

Hiện tại, hành khách đi, đến bến xe có thể sử dụng các phương tiện như taxi, xe trung chuyển và xe buýt. Đặc biệt, khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành, hành khách sẽ có thêm lựa chọn vì nhà ga metro nằm cách nhà ga BXMĐ mới chỉ khoảng 50 m.

Các tuyến đường bên ngoài bến như đường Hoàng Hữu Nam, D400 đã thảm nhựa, giao thông kết nối thuận tiện. Gần đó, công trình cầu vượt BXMĐ mới cũng đang được gấp rút thi công.

Bà Nguyễn Thị Nhớ (ngụ quận 9) chia sẻ: “Nhiều dịp tết, tôi ra bến xe cũ mua vé về quê cứ như một cực hình vì kẹt xe, chen chúc và chật chội. Thấy báo, đài thông tin có bến xe mới tôi háo hức lắm, đúng là tin vui cho người dân chúng tôi”.

Sơ đồ vị trí Bến xe Miền Đông mới. Đồ họa: HỒ TRANG

Sơ đồ vị trí Bến xe Miền Đông mới. Đồ họa: HỒ TRANG

Thiết kế đặc biệt của Bến xe Miền Đông mới

Samco cho biết mục tiêu của BXMĐ mới là phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm, hạ tầng của bến phục vụ liên vận quốc tế và đưa khách đến sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, theo Samco, giai đoạn 1 của dự án BXMĐ mới hiện nay vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện. Khi hoàn thiện, bố cục tổng thể của dự án là phỏng theo ý tưởng thiết kế “Sân khấu lớn và tính cách TP.HCM”. Trong đó, sân khấu lớn là nhà ga, trung tâm thương mại, khách sạn, quảng trường… nhằm phục vụ tối đa các tiện ích cho hành khách cũng như vui chơi, giải trí cho người dân.

Trong các giai đoạn tiếp theo, khi được đầu tư trở thành một chỉnh thể hoàn thiện, BXMĐ mới sẽ điểm tô thêm các tấm ốp dích dắc liên tục từ mặt trước nhà ga đến các công trình xung quanh. Những tấm dích dắc này nhìn như sóng gợn của dòng sông Sài Gòn xinh đẹp, thể hiện sự đa dạng phong phú, năng động sáng tạo của TP.HCM.

Cách mua vé tại Bến xe Miền Đông mới

Tại BXMĐ hiện hữu đang tổ chức đại lý bán vé cho các tuyến đường có đầu bến tại BXMĐ mới. Đồng thời, tại bến xe mới có tổ chức đại lý bán vé cho các tuyến đường đăng ký điểm trung chuyển tại bến xe mới nhưng xuất phát từ bến xe hiện hữu.

Hành khách có thể mua tại quầy ở cả hai bến xe hoặc mua trên trang điện tử www.vexemiendong.com.vn hoặc qua số điện thoại 0368.292.292.

Ngoài ra, theo đánh giá của Samco, dự án BXMĐ mới được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Vị trí này được coi như một đầu mối giao thông trọng yếu của TP.HCM đi các tỉnh, thành trong cả nước.

“Vị trí bến xe mới rất phù hợp để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng TOD (transit-oriented development). Tương lai gần BXMĐ mới sẽ là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP thông minh ở phía đông - TP Thủ Đức” - Samco nhận định.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá cao vị trí xây dựng cũng như chức năng của BXMĐ mới.

Ông Cương cho rằng BXMĐ mới sẽ là nguồn lợi về giao thông lẫn kinh tế - xã hội. Giá trị đầu tiên là giải quyết việc tập trung đầu mối giao thông khu vực BXMĐ hiện hữu. Giá trị tiếp theo là TP đang trong quá trình xây dựng khu vực phía đông thành TP hiện đại - TP Thủ Đức, cho nên BXMĐ mới được thiết kế với mô hình và quản lý hiện đại sẽ rất phù hợp với xu hướng phát triển của TP tương lai này. Đây cũng được xem là đà bứt phá của TP Thủ Đức sau này.

Đồng thời, ông Cương cho rằng BXMĐ mới được thiết kế theo mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng, đặc biệt là metro số 1, sẽ giúp người dân di chuyển vô cùng thuận tiện.

Nhiều biện pháp đảm bảo bến mới hoạt động thuận lợi

Để đảm bảo hoạt động thuận lợi cho BXMĐ mới, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở đã có văn bản đề nghị Công an TP, UBND quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức tiếp tục phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hoạt động đón trả khách tại khu vực lân cận và xung quanh bến xe hiện hữu. Điển hình là tình hình đón trả khách trái phép tại hai bãi xe 391 và 397 (đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh).

Đồng thời, các đơn vị chỉ đạo lực lượng chức năng không xử lý các xe khách thuộc các đơn vị vận tải di dời giai đoạn 1 từ bến xe hiện hữu sang bến xe mới. Vì các đơn vị vận tải tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại bến xe hiện hữu trong khi bến xe mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn là ba tháng).

Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra để đề xuất lắp đặt các biển báo như cấm xe lưu thông, cấm dừng xe và đỗ xe; tổ chức rà soát mục đích sử dụng đất đối với các điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh.

LINH PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/ben-xe-mien-dong-moi-buoc-dem-cua-tp-thu-duc-tuong-lai-943032.html