Bệnh bạch hầu ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh bạch hầu ở trẻ một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Đây là căn bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ. Cha mẹ cần biết dấu hiệu, cách điều trị và phòng chứng bệnh nguy hiểm này.

Dấu hiệu bệnh bạch hầu ở trẻ em

Bạch hầu là một trong những căn bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ em cùng với các mũi tiêm ho gà, uốn ván. Bệnh bạch hầu thường có 3 thể: bạch hầu họng mũi, bạch hầu thanh quản và bạch hầu ác tính.

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bạch hầu là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh bạch hầu đã được Hipocrate mô tả rất sớm vào thế kỷ thứ V TCN, dịch bệnh bạch hầu được ghi chép vào thế kỷ thứ VI TCN.

Bạch hầu họng, mũi là dạng bệnh bạch hầu thường gặp nhất ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Năm 1883 – 1884, các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và phát minh ra kháng độc tố bệnh vào cuối thế kỷ XIX.

Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, dấu bệnh bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản. Trên thực thế, bệnh bạch hầu cũng có thể biểu hiện như triệu chứng bệnh nhiễm trùng da.

Khi bệnh mới chớm, trẻ sẽ có đấu hiệu mệt mỏi, đau họng, biếng ăn và sốt nhẹ. Sau đó, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng sưng hạch cổ, chảy mũi nhiều nhầy mủ, lẫn máu và màng trắng hình thành ở vách ngăn mũi hoặc bám trên amidan, khu vực vòm họng gây tắc nghẽn đường thở.

Điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ em

Bệnh bạch hầu thường gây hậu quả nặng nề ở trẻ. Các biến chứng của bệnh bao gồm tắc nghẽn đường thở, tổn thương cơ tim (viêm cơ tim), tổn thương dây thần kinh, bại liệt, viêm phổi. Số liệu thống kê cho biết tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dao động từ 5% - 10%. Con số này lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn ngoài 40 tuổi.

Trẻ mắc bệnh bạch hầu cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong. Theo các bác sĩ, việc điều trị bệnh bạch hầu cần tiến hành toàn diện, trung hòa các độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn. Kết hợp phát hiện, ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, bội nhiễm đi kèm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học cho trẻ.

Trẻ sẽ được tiêm chống độc khi điều trị bệnh bạch hầu - Ảnh minh họa: Internet

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị bệnh bạch hầu cho trẻ là tiêm thuốc chống độc. Trường hợp nặng trẻ sẽ được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu (kháng thể trung hòa ngoại độc tố bạch hầu) và đo điện tim nhằm theo dõi biến chứng suy tim cấp.

Trẻ mặc bệnh bạch hầu thanh quản có thể mở khí quản để kịp thời cấp cứu, tránh tình trạng suy hô hấp.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu cho trẻ như thế nào?

Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan qua đường hô hấp, qua da với tốc độ nhanh chóng. Do đó, cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả cho trẻ chính là tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch tại các cơ sở y tế.

Hiện tại, nhờ có vắc xin phòng bệnh bạch hầu, tỉ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở người lớn và trẻ em không được chủng ngừa bị mắc bệnh gần như không giảm trong suốt 50 năm qua. Ngay cả khi được điều trị, vẫn có khoảng 10% bệnh nhân tử vong. Trường hợp không được điều trị, con số bệnh nhân tử vong lên đến 50%.

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương thông tin vắc xin ngừa bệnh bạch hầu nằm trong các loại vắc xin kết hợp 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuần tuổi.

Lịch tiêm chủng bệnh bạch hầu bao gồm 4 liều trong các giai đoạn:

- Mũi đầu tiên: Trẻ được 2 tháng tuổi

- Mũi thứ hai: Cách mũi đầu 1 tháng

- Mũi thứ ba: Cách mũi thứ hai 1 tháng

- Mũi thứ tư: Khi trẻ được 18 tháng tuổi

Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng bệnh bạch hầu ở tháng thứ hai - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng hình thức tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo người lớn và trẻ em cần chủ động phòng bệnh bạch hầu bằng thói quen sinh hoạt lành mạnh hàng ngày.

Cha mẹ nên nhắc nhở trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu.

Lớp học của trẻ cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu, cần chủ động cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để chấn đoán và điều trị kịp thời.

Minh Cát

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/benh-bach-hau-o-tre-em-nguyen-nhan-dau-hieu-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-c22a303032.html