Bệnh đái tháo đường, không thể xem thường

Năm 2022, theo thống kê của IDF (Hiệp hội Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới), cứ mỗi 24 tiếng, có thêm 3.600 người bệnh mắc ĐTĐ, 580 người tử vong, 225 người cắt cụt chi, 120 người suy thận giai đoạn cuối, 55 người bị mù. Khoảng 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) sống chung với ĐTĐ. Tỷ lệ trẻ hóa của bệnh ĐTĐ ngày càng tăng, gây ra nhiều biến chứng và hậu quả nặng nề.

Biến chứng đái tháo đường gây hoại tử bàn chân phải của bệnh nhân L.H.P.

Một thực tế đáng báo động là tại Việt Nam có đến 65% người bệnh ĐTĐ không biết mình mắc bệnh, trên 5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo kết quả điều tra năm 2020, ở nước ta, bệnh ĐTĐ chiếm 7,3% và tiền ĐTĐ là 17,8%; có 62,6% người mắc ĐTĐ không được phát hiện và 52,3% số người chưa bao giờ làm xét nghiệm đường máu.

Ông L.H.P. (52 tuổi, ngụ khu phố 2, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) làm nghề chạy xe ba gác. Ông mắc bệnh ĐTĐ khoảng 4 năm nay và ít hiểu biết về bệnh này. Mỗi ngày, ông hút khoảng 1,5 gói thuốc lá, không ăn uống theo chế độ cho người mắc ĐTĐ. Ông cũng không điều trị định kỳ vì cảm thấy trong người khỏe mạnh sau 3 tháng bỏ thuốc lá.

Cách nay 1 tháng, bàn chân phải của ông bị một vết thương không lành do đường máu không ổn định, gây biến chứng hoại tử vết thương, phải nhập viện điều trị. Ông H.P. cho biết: Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng tiền ăn uống và đi lại chăm sóc, điều trị trong vòng 1 tháng tốn 10 triệu đồng.

Rõ ràng, việc mọi người nhận biết nguy cơ về bệnh ĐTĐ của mình và biết cách ứng phó với bệnh là rất quan trọng để phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng, hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, với những người đã mắc bệnh, để giảm thiểu biến chứng của ĐTĐ, cần kiểm soát đường huyết, huyết áp, lipid máu, sử dụng thuốc có lợi cho tim mạch và thận.

Ngoài ra, việc thay đổi lối sống và giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ như thừa cân béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, tăng huyết áp, lạm dụng rượu, bia, yếu tố dinh dưỡng,... cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để người bệnh nhận biết nguy cơ về bệnh ĐTĐ của mình và biết cách ứng phó thì phải có kiến thức và hiểu biết đúng về bệnh ĐTĐ để tự chăm sóc bản thân; đồng thời, tuân thủ theo lời khuyên của thầy thuốc thì việc điều trị bệnh ĐTĐ mới hiệu quả.

Cán bộ y tế cần cập nhật kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ để nâng cao khả năng chẩn đoán sớm, chất lượng điều trị tại các tuyến cơ sở; hướng dẫn chăm sóc và quản lý bệnh ĐTĐ nhằm hạn chế biến chứng trên người bệnh. Tổ chức thường xuyên các đợt khám sàng lọc và phát hiện sớm những người bệnh có nguy cơ bị ĐTĐ không triệu chứng, những người mới phát hiện bệnh để họ có thể được quản lý điều trị sớm, hợp lý hơn. Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục và tư vấn sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh ĐTĐ cho cộng đồng./.

Minh Thái

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/benh-dai-thao-duong-khong-the-xem-thuong-a166313.html