Bệnh lao bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19

Mỗi năm hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới, chưa được phát hiện, báo cáo trong cộng đồng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Hàng năm số tử vong do lao tại Việt Nam khoảng hơn 12.000 người, chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Mỗi năm hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới, chưa được phát hiện, báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ điều trị khỏi được duy trì ở mức trên 90% đối với bệnh nhân lao mới, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: Trần Minh

Chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: Trần Minh

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đó là, do những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nên việc phát hiện bệnh nhân mắc lao đang có xu hướng giảm mạnh, ước tính tới 11%. Bên cạnh đó, tỷ lệ bỏ điều trị liên tục ở mức cao (15,3%).

Hiện Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước về có số người bệnh lao và có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 là một trong những nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Hưởngứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, nhằm nâng cao nhận thức về dịch bệnh lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh lao, Trường đại học Y Hà Nội phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia và Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock phát động cuộc thi thuyết trình “3MT - Vẫn còn đó một dịch bệnh cần chấm dứt” dành cho tất cả các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, các học viên, sinh viên các trường đại học y, dược tại Việt Nam. Hình thức thi thuyết trình trực tiếp trên sân khấu. Thí sinh được lựa chọn 1 chủ đề về bệnh lao, có thể là một thông tin, thông điệp lời kêu gọi, một câu chuyện, một nghiên cứu, một tình huống, một ý tưởng, một cảm xúc hoặc cảm nghĩ về dịch tễ học, triệu chứng bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và dự phòng bệnh lao nhằm hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Thí sinh thực hiện bài thuyết trình bằng tiếng Việt trong giới hạn tối đa 3 phút trước mặt Ban giám khảo và khán giả chương trình. Thời gian đăng ký dự thi kể từ khi công bố tới trước 9h ngày 24/3/2021. Thời gian thuyết trình diễn ra từ 16h30’ đến 18h30’ cùng ngày, kết quả cuộc thi sẽ được công bố sau đó khoảng 30 phút. Được biết, phần thưởng của cuộc thi này có giá trị khá lớn. Giá trị giải thưởng: giải nhất 8 triệu đồng, giải nhì 5 triệu và giải ba 2 triệu đồng.

Cũng trong dịp này, với mong muốn vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bệnh lao, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

- Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/03/2021 đến 24h00 ngày 21/5/2021.

- Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402.

(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học, bệnh lao đã cơ bản được khống chế, tiên lượng điều trị tốt, nếu người bệnh hợp tác và tuân thủ phác đồ điều trị đến hết liệu trình. Ngay khi phát hiện mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám xét cẩn thận và chẩn đoán chính xác.

Việc điều trị lao phải được tiến hành ngay, càng sớm càng tốt. Điều trị lao được thực hiện ở tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến trung ương. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được cấp miễn phí. Vì vậy, người bệnh lao đừng ngần ngại, mà phải đi khám và điều trị ngay tức khắc. Thuốc điều trị lao là chung trên toàn quốc, phác đồ điều trị là chung trên toàn quốc. Vì vậy người bệnh không nên quan niệm cứ phải tuyến Trung ương điều trị thì mới khỏi bệnh lao. Quan trọng hơn cả chính là ở việc bệnh nhân có có tuân thủ phác đồ điều trị hay không.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-lao-bi-anh-huong-tieu-cuc-boi-covid-19-n188588.html