Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu tuân thủ phác đồ điều trị

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đồng Nai thực hiện kỹ thuật phát hiện vi trùng gây bệnh lao. Ảnh: H.Lê

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đồng Nai thực hiện kỹ thuật phát hiện vi trùng gây bệnh lao. Ảnh: H.Lê

Tuy nhiên, nếu tuân thủ điều trị chỉ định của bác sĩ, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn.

* Lao phổi chiếm 85%

Chị N.T.T.T. (36 tuổi, ngụ tại P.Quang Vinh, TP. Biên Hòa) cho biết, cách đây 3 tháng, chị hay bị ho, mệt mỏi. Tưởng bệnh ho cảm thông thường nên chị T. ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống. Tuy nhiên, cơn ho vẫn kéo dài không hết nên chị đến Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa khám bệnh thì được bác sĩ giới thiệu đi tầm soát lao tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Kết quả cho thấy chị T. bị bệnh lao phổi.

“Khi bác sĩ thông báo tôi bị bệnh lao, tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, được bác sĩ tư vấn nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì bệnh sẽ khỏi nên tôi cũng an tâm. Hơn 1 tháng điều trị, cơn ho của tôi đã giảm nhiều. Hiện tại, tôi vẫn điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để nhanh khỏi bệnh. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, ăn uống nghỉ ngơi riêng để tránh lây bệnh cho người trong nhà” - chị T. nói.

Theo thống kê từ Bệnh viện Phổi Đồng Nai, năm 2019, bệnh viện khám sàng lọc lao cho hơn 22,3 ngàn trường hợp, phát hiện gần 3,5 ngàn ca nhiễm lao. Trong đó, nam chiếm gần 70%. Độ tuổi nhiễm bệnh lao nhiều nhất là từ 45-54 tuổi đối với nam và 25-34 tuổi đối với nữ. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh đạt 87%.

BS.Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao nam và lao kháng thuốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, trong các thể lao, có đến 85% người mắc lao phổi, còn lại 15% là mắc các bệnh lao khác như: lao xương khớp, lao màng não, lao màng phổi, lao thận, lao gan...

Lao phổi có triệu chứng chung là ho kéo dài trên 2 tuần uống thuốc kháng sinh không hết, sốt nhẹ về chiều khoảng 37,5-380C (nếu bị bội nhiễm mới sốt cao hơn), sút cân kèm theo mệt mỏi.

Theo BS.Thịnh, hiện nay những người nghi nhiễm lao sẽ được tầm soát bằng cách chụp X-quang phổi. Nếu có tổn thương ở nhu mô phổi thì xét nghiệm thêm đàm sẽ cho kết quả.

Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã triển khai xét nghiệm bằng phương pháp sinh học phân tử (GeneXpert), xác định chính xác vi trùng lao gây bệnh cho người, xét nghiệm cũng cho biết vi trùng lao có kháng thuốc hay không, từ đó giúp bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp với bệnh nhân. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm thêm sinh hóa máu xem có thiếu máu hay có các bệnh liên quan đến gan, thận, bệnh tiểu đường hay không để điều chỉnh thuốc kèm theo.

“Trên thực tế, nhiều người dân vẫn còn chủ quan với sức khỏe, nhiều trường hợp ho kéo dài nhưng không đi khám, chỉ khi bệnh tiến triển nặng, sụt ký, sốt nặng mới đi khám thì bệnh đã nặng. Lúc này, việc điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, người dân khi có dấu hiệu ho kéo dài, sốt, gầy sút cân cần đi khám ngay để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời” - BS.Thịnh khuyến cáo.

* Bệnh lao có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Các bác sĩ cho biết thêm, hiện nay điều trị bệnh lao có 2 phác đồ. Đó là phác đồ điều trị lao thường (còn gọi là lao nhạy cảm) và phác đồ điều trị lao kháng thuốc (gồm các nhóm lao kháng đơn thuốc, đa thuốc, tiền siêu kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc). Trong đó, nhóm lao nhạy cảm có thời gian điều trị khoảng 6-9 tháng là dứt bệnh. Còn nhóm lao kháng thuốc điều trị rất khó khăn, thời gian kéo dài từ 9-20 tháng.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác điều trị bệnh lao hiện cũng gặp không ít khó khăn. Bắt nguồn từ chính người bệnh không tuân thủ điều trị; một số loại thuốc gây tác dụng phụ như: mệt mỏi khiến người bệnh bỏ thuốc không uống, dùng thuốc không đúng quy định, uống thuốc không đúng liều. Ngoài ra, việc bệnh nhân uống rượu bia, hút thuốc lá cũng sẽ làm giảm tác dụng của thuốc... dẫn tới lao kháng thuốc.

Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là tình trạng nguy hiểm với cộng đồng bởi việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém.

Để người bệnh không mắc lao kháng thuốc, BS.Thịnh khuyến cáo, đối với người mắc bệnh lao thông thường (chưa phải kháng thuốc), cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, có thể gặp một số yếu tố bất lợi do thuốc gây nên như: dị ứng, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, thị lực, thính lực, xương khớp..., người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phối hợp kịp thời.

Nếu không may bị bệnh lao kháng thuốc, cơ hội điều trị khỏi bệnh vẫn còn. Lúc này, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế trong điều trị hằng ngày cho đến khi khỏi bệnh. Khi có vấn đề phát sinh trong quá trình điều trị, phải báo cho nhân viên y tế để được hướng dẫn giải quyết, tránh tình trạng bỏ điều trị giữa chừng làm phát sinh lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng, hoặc siêu kháng thuốc. Khi đó, việc điều trị cực kỳ khó khăn mà kết quả không khả quan.

Hoàn Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202004/benh-lao-co-the-chua-khoi-neu-tuan-thu-phac-do-dieu-tri-2999170/