Bệnh lở mồm long móng bùng phát mạnh ở Trà Vinh

Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngày 28-11, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh được phát hiện tại 27 hộ, với tổng đàn 201 con bò. Đến nay, đã có 130 con bò ở 11 xã, thuộc hai huyện Cầu Kè và Trà Cú, mắc bệnh và chết.

Đồng chí Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến trong cuộc họp với cán bộ nông nghiệp và chủ tịch các xã về chỉ đạo công tác dập dịch bệnh LMLM trên đàn bò.

Bận lo chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)

Theo báo cáo, hồi đầu năm 2019, bệnh LMLM xuất hiện lẻ tẻ ở Trà Vinh. Cụ thể, ngày 14-2, phát hiện trên đàn lợn của một hộ ở ấp Bà Trầm, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, và sau đó, ngày 11-3, phát hiện thêm trên đàn lợn của một hộ ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú với tổng đàn 50 con. Ngành thú y cũng đã tăng cường các biện pháp dập bệnh, phòng chống lây lan, tổ chức tiêm ngừa trên đàn gia súc.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, DTLCP bùng phát ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do đó, địa phương phải tập trung lo phòng chống DTLCP. Ngày 4-6, ổ bệnh DTLCP đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Dù các địa phương đã tập trung nhiều biện pháp phòng, chống nhưng DTLCP vẫn bùng phát hầu hết trên khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhiều lúc cán bộ ở các xã, cán bộ thú y và tài nguyên môi trường không thể đảm nhiệm việc cân, đếm và tiêu hủy số lợn chết do DTLCP.

Do đó, việc triển khai kế hoạch phòng chống dịch theo kế hoạch đã được duyệt, trong đó có tiêm phòng LMLM không kịp thời. Theo số liệu Cục Thống kê Trà Vinh, ngày 1-7, toàn tỉnh có 209.215 con trâu, bò; 274.243 con lợn và 20.569 con dê. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp công tác tiêm phòng LMLM trên địa bàn tỉnh, đến ngày 1-4, chỉ tiêm được 70.153 con gia súc. Trong đó, tiêm phòng được cho 22.721 con trâu, bò, đạt tỷ lệ 10,8% tổng đàn và đạt tỷ lệ 13,57% so với diện tiêm là 80% so tổng đàn. Tỷ lệ tiêm phòng trên lợn đạt 17,2% so tổng đàn và đạt được 0,9% trên tổng đàn dê.

Tỷ lệ đàn gia súc được bảo vệ bằng vắc-xin quá thấp, sức đề kháng yếu, cộng với thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng vào cuối năm tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và phát tán trên diện rộng.

Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi gia súc

Bà Sử Thanh Trúc, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè, cho biết, đối với bệnh LMLM hiện nay không còn chính sách hỗ trợ vắc-xin cho người chăn nuôi. Từ năm 2015, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin trong vùng dịch; việc tiêm phòng thường xuyên cho gia súc, gia cầm thực hiện chủ trương xã hội hóa. Thông qua các đợt hội thảo, tập huấn của ngành thú y hay các dự án về chăn nuôi, người dân đều được tuyên truyền về công tác tiêm phòng khi nuôi mới hay tái đàn, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Người chăn nuôi cũng dần thay đổi nhận thức trong việc tự tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình.

Ông Đỗ Hữu Giàu, cán bộ nông nghiệp - môi trường xã Châu Điền, cho biết: từ năm 2017, nhờ hỗ trợ từ các nguồn vốn phát triển sản xuất, vốn đầu tư của Dự án giảm nghèo bền vững… phong trào nuôi bò của người dân ở xã phát triển rất mạnh. Các hộ còn tự đầu tư vốn để mở rộng đàn bò nuôi. Hiện tổng đàn bò của toàn xã 2.464 con. Việc tiêm vắc-xin, đặc biệt là phòng bệnh LMLM cho bò được người nuôi khá chú trọng, vì giá trị của một con bò hiện nay khá lớn, khoảng 50 triệu đồng/con (bò lai Pháp kem), cho nên người nuôi rất quan tâm đến công tác phòng bệnh. Tuy nhiên, do mỗi lọ vắc-xin LMLM chứa đến 25 liều, cho nên các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng gặp không ít khó khăn. Khắc phục cái khó này, nhiều hộ đã liên kết với nhau để đi mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn bò của gia đình mình.

Theo thống kê, đến cuối tháng 10-2019, huyện Cầu Kè có tổng đàn bò là 9.440 con, dê 203 con. Riêng tổng đàn bò được nuôi tại bốn xã trong vùng xảy ra bệnh LMLM là Tam Ngãi, Thông Hòa, An Phú Tân và Hòa Tân là 8.280 con. Theo quy định, số gia súc nuôi trong bốn xã vùng dịch trên và ba xã vùng đệm là Hòa Ân, Thạnh Phú, thị trấn Cầu Kè được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng bệnh LMLM. Qua một tuần triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, huyện Cầu Kè đã được hỗ trợ của 15 cán bộ thú y tỉnh và huy động ba cán bộ thú y của huyện cùng với lực lượng viên chức thú y của các xã đã thực hiện tiêm phòng được hơn 40%/tổng đàn gia súc ở bảy xã này.

Trước tình hình dịch bệnh LMLM diễn tiến phức tạp, ngày 25-11, UBND tỉnh Trà Vinh đã ra Quyết định 2490/QĐ-UBT phê duyệt kế hoạch dập dịch bệnh LMLM tại huyện Cầu Kè. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã trình kế hoạch dập dịch tại huyện Trà Cú trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

ĐẶNG VĂN BƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42423102-benh-lo-mom-long-mong-bung-phat-manh-o-tra-vinh.html