Bệnh nhân chạy thận miệt mài kiếm tiền bảo vệ sự sống

Để trang trải cho cuộc sống trong bệnh viện, các bệnh nhân bị căn bệnh suy thận đều phải tự đi làm thêm để lo chữa bệnh. Căn bệnh "nhà giàu" khiến nhiều gia đình chẳng còn chút tài sản nào đáng giá.

Bán nước rong

Hơn 5 năm nay, cô Nguyễn Thị Hòa trú tại Bắc Ninh bị suy thận độ 3. Từ ngày cầm bản án suy thận trên tay cũng là chừng ấy thời gian cô gắn bó với khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai. Con cái đang độ tuổi đến trường, mẹ bị bệnh "nhà giàu" nên cô Hòa phải tự lực gánh sinh. Hàng tháng, chồng cô chỉ gửi phụ thêm cho một khoản tiền để cô trả tiền thuê nhà, tiền ăn.

Cô kể khi mới mắc bệnh cô phải nằm điều trị tích cực mất gần 1 tháng, mỗi ngày chi phí điều trị lúc đó đã mất 4 triệu đồng nên tài sản trong nhà không còn gì đáng giá. Các con cô phải bỏ học đi làm công nhân. Từ ngày vào chạy thận, chi phí có giảm nhưng hàng tháng vẫn phải có đủ 5 triệu đều như vắt chanh.

Công việc chính của cô Hòa là chiếc phích nước và cái làn nhựa vào 4,5 chiếc cốc. Cô đi dọc khu bệnh viện Bạch Mai để bán nước cho người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, cô Hòa kể "bán nước trong bệnh viện cho bệnh nhân cũng có miếng, có mảng. Không phải ai vào bán cũng được mà mọi người tự chia địa bàn". Như cô Hòa hàng ngày cô bán nước quanh khu vực Bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới trung ương.

Bệnh nhân Hòa đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai

Mỗi ly nước giá 2000 đồng. Mỗi ngày cô bán được khoảng 20 chén nước. Tuy nhiên, bán nước rong như cô cũng gặp phải nhiều vất vả bởi nhiều khi phải chạy bảo vệ bệnh viện.

Cô chỉ cười "Sợ bảo vệ lắm. Họ bắt được thì cốc chén, phích nước họ đập hết và phải mua mới nên cứ thấy bóng dáng người mặc áo xanh là nhóm bán nước rong chạy trốn vào nhà vệ sinh, trà trộn vào bệnh nhân khác. Nhiều lần vẫn bị bảo vệ bắt lại và họ mắng, họ đập hết đồ nghề buôn bán.

Cùng cảnh ngộ với cô Hòa là ông Sang trú tại Phủ Lý, Hà Nam. Ông Sang cũng là bệnh nhân chạy thận và hàng ngày ông xách chiếc điều cày, tích nước đi khắp khu vực bệnh viện bán nước trà cho người khác để kiếm tiền.

Ông Sang kể mỗi tháng cả tiền thanh toán viện phí 5% và tiền thuốc hết hơn 2 triệu đồng, tiền thuê nhà, tiền ăn hết 2 triệu đồng nên ông phải cố gắng bươn chải kiếm thêm tiền. Đối với những người như ông thì việc phải chi một số tiền lớn như thế không thể để hết cho vợ con lo. Vợ ông Sang ở nhà cũng đi chạy chợ bán rau, bán cá để có tiền hàng tháng gửi lên cho ông chi phí việc chữa bệnh.

Ngày chạy thận đêm đi làm bảo vệ

Trường hợp của anh Mai Văn Phúc, SN 1987, trú tại Hòa Bình, khác với cô Hòa, ông Sang. Anh Phúc bị suy thận từ khi anh vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây Dựng Hà Nội. Đang độ tuổi hăm hở kiếm tiền thì anh mắc phải căn bệnh mãn tính phải sống trọn với bệnh viện. Bao năm nay, anh Phúc lủi thủi một mình ở thủ đô vừa kiếm tiền, vừa chạy thận. Những ngày đầu bị bệnh, anh còn giấu gia đình nhưng sau này thì mọi người cũng biết.

Mấy năm trước, anh xin chạy thận ca đêm để ban ngày đi làm. Anh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền, mong ước có thể thay thận. Nói đến đây, giọng anh Phúc buồn "bố anh muốn hiến thận cho con nhưng gia đình cũng không có tiền để lo phẫu thuật. Dù đã được bố cho thận nhưng số tiền dành cho việc phẫu thuật ghép thận cũng lên đến vài trăm triệu. Số tiền đó quá lớn đối với gia đình thuần nông ở miền núi như nhà anh.

Một người chạy thận tại Bạch Mai bán nước cùng cô Hòa

Mong ước được ghép thận nên chàng thanh niên này cần mẫn đi làm. Những ngày không chạy thận anh tranh thủ chạy xe ôm. Buổi tối anh đi làm bảo vệ đến 12 giờ khuya mới về nhà. Khi chúng tôi hỏi số tiền tiết kiệm để làm ghép thận, anh Phúc chỉ cười phải 4, 5 năm nữa anh mới lo đủ số tiền phẫu thuật.

Nhiều lần, anh Phúc muốn vay tiền để làm phẫu thuật nhưng anh lại sợ rủi ra không may mình không thành công.

Ở cùng phòng trọ với anh Phúc trong ngõ cột cờ là bác Nguyễn Văn Khanh quê Duy Tiên, Hà Nam. Bác Khanh dù đã ngoài 60 tuổi nhưng hàng ngày bác vẫn đi lấy bánh mì mang sang cổng bệnh viện bán buổi sáng. Bác khoe thu nhập từ việc làm thêm cũng đủ bác trang trải tiền thuê nhà và tiền ăn. Gia đình bác chỉ lo khoản tiền thuốc và viện phí cho bác.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/benh-nhan-chay-than-miet-mai-kiem-tien-bao-ve-su-song-post121311.info