Bệnh nhân gãy xương sườn bị... khoan chân: Quá tải hay quá ẩu?

Tình trạng quá tải bệnh viện khiến các y - bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế mệt nhoài, tình trạng nhầm lẫn y khoa vì thế cũng xảy ra liên tục ở nhiều bệnh viện do khối lượng công việc nhiều...

Đàn ông đi khám, kết quả... có bầu

Vụ việc anh Nguyễn Đức Thịnh (30 tuổi, ngụ Cà Mau) chẩn đoán gãy xương sườn nhưng khi nhập viện vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) lại bị nhân viên y tế khoan vào chân khiến dư luận dậy sóng những ngày qua. Nhiều câu chuyện “bé cái nhầm” ở bệnh viện khiến người bệnh dở khóc dở cười, nhưng không biết kêu ai.

Anh Nguyễn Đức Tuấn (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trong một lần khám sức khỏe định kỳ với các đồng nghiệp tại cơ quan, anh Tuấn được yêu cầu xét nghiệm máu. Thế nhưng đến khi nhận kết quả, anh Tuấn “hết hồn” thấy bác sĩ kết luận: "Thai 16 tuần, tim thai bình thường".

“Ban đầu cầm tờ kết quả xét nghiệm mình cứ nghĩ là mình cầm nhầm của người khác, đến khi xem lại tên tuổi, địa chỉ… thì đúng là tên mình. Lúc Công đoàn yêu cầu nộp kết quả khám sức khỏe, mình không biết giải thích thế nào luôn!”, anh Tuấn kể lại.

Biết là mình đã bị nhầm kết quả, anh Tuấn trở lại phòng khám để thắc mắc. Nhân viên y tế sau khi xem xét phiếu kết quả, cho rằng do đây là phòng khám chuyên khoa sản nên khi thực hiện khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ đã nhầm. Anh Tuấn sau đó được lấy máu và thực hiện lại các xét nghiệm theo như mức viện phí đã đóng.

“Đây là mình chỉ khám sức khỏe bình thường nên cũng không ý kiến gì nhiều, sai thì làm lại. Nhưng nếu xét nghiệm máu để phẫu thuật hay cấp cứu… mà sai như thế này, rồi phải làm đi làm lại, tốn thời gian chờ đợi, ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh nhân thì rất nguy hiểm”, anh Tuấn nói.

Bệnh nhân Nguyễn Đức Thịnh bị gãy xương sườn nhưng đã nhân viên y tế khoan nhầm vào chân.

Nước tiểu bị thất lạc

Cũng chuyện đi khám sức khỏe, chị Phạm Khải Huyền (ngụ Bình Tân, TP.HCM) kể, mới đây, chị cùng cơ quan đến khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở 3 một bệnh viện lớn ở Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Một tuần sau khi lấy máu, lấy nước tiểu để thực hiện các xét nghiệm, nhân viên y tế gọi chị Huyền lên lấy lại nước tiểu vì mẫu cũ đã thất lạc.

Tuy nhiên, do đang bận công tác nên chị Huyền chưa kịp đến bệnh viện lấy mẫu. Mấy ngày sau khi trở về cơ quan, chị Huyền thấy bệnh viện đã gửi kết quả xét nghiệm với kết luận “không phát hiện bất thường”.

“Cũng chính bệnh viện vừa mới hôm trước bảo là thất lạc mẫu xét nghiệm rồi hôm sau lại cho kết quả không phát hiện bất thường. Như vậy, sức khỏe người bệnh có thật là bình thường không?”, chị Huyền đặt nghi vấn.

Hay như trường hợp bà Nguyễn Thị Tình (quê ở Quảng Nam), có chồng bị u tủy sống cổ, được chỉ định mổ (vị trí mổ phía sau gáy) tại một bệnh viện tuyến trung ương ở Đà Nẵng. Thế nhưng, khi nhân viên y tế lại sát khuẩn vùng trước vòm họng. Bà Tình nhìn thấy vậy, có ý kiến thì bị bảo là “cô biết thì tự làm đi”. Bà Tình sau đó đi tìm bác sĩ đến để hỏi, vấn đề mới được giải quyết.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TP.HCM cho biết, mỗi ngày, các bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM có từ vài trăm đến vài ngàn bệnh nhân đến thăm khám, chữa bệnh. Lượng bệnh lớn, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực nên sai sót trong y khoa là điều gần như không thể tránh khỏi.

Tình trạng quá tải bệnh viện khiến nhân viên y tế mệt nhoài, sai sót vì thế cũng xảy ra liên tục. Ảnh chụp tại Bệnh viện E (Hà Nội).

Tuy nhiên, dù là đông bệnh nhân, cường độ công việc lớn thì trong y khoa, nhân viên y tế không được làm ẩu. Tất cả mọi sai sót y khoa, dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bệnh nhân, không gì có thể bù đắp, nhất là những sai sót do nhân viên y tế làm ẩu gây ra.

“Để hạn chế nhầm lẫn, sai sót, trước khi thực hiện một thủ thuật y khoa, nhân viên y tế phải rà soát kỹ thông tin người bệnh, cần phải hỏi đi hỏi lại bệnh nhân sắp được mổ những câu hỏi xác định tên, tuổi, quê quán… Trong trường hợp anh Thịnh bị khoan nhầm chân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh này khi thấy mình sắp bị khoan vào chân trong khi mình không đau chân nên đã có ý kiến. Tại sao khi anh Thịnh nói mình không đau chân, bác sĩ lại không kiểm tra thông tin của bệnh nhân ngay lúc đó? Không thể nói rút kinh nghiệm cho việc làm ẩu của mình”, ông Thuận nhận định.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, phần mềm tổng hợp và phân tích dữ liệu khảo sát không hài lòng tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM trong tháng 5/2019 cho thấy, số lượt phản ánh không hài lòng giảm so với cùng kỳ nhưng tăng so với tháng trước. Trong tháng 5/2019 có hơn 3.100 lượt phản ánh không hài lòng, tăng 27% so với tháng 4/2019.

Phân bố các nội dung phản ánh không hài lòng theo chiều hướng tăng đáng chú ý là: (a) dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh (tăng 42%), (b) khâu làm thủ tục đăng ký khám (tăng 40%), (c) chăm sóc người bệnh của điều dưỡng (tăng 36%), (d) nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện (tăng 33%).

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tập trung rà soát và củng cố những vấn đề được người bệnh quan tâm và phản ánh trong tháng 5/2019, nhất là cải tiến khâu làm thủ tục đăng ký khám, các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh tại khu khám bệnh, nâng cấp nhà vệ sinh khu vực ngoại trú, và công tác hướng dẫn, chăm sóc người bệnh của điều dưỡng tại các phòng khám.

Khải Huyền

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/benh-nhan-gay-xuong-suon-bi-khoan-chan-qua-tai-hay-qua-au-989830.html