Bệnh nhân ngộ độc tăng gấp đôi: Giải pháp nào cho công tác điều trị?

Trong những năm 2010-2011, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 800 ca ngộ độc nhập viện mỗi năm thì hiện nay con số này đã lên đến 2.000 ca.

Thông tin trên được TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Trưởng đơn vị hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tại Hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc diễn ra hôm nay (25.2).

Bệnh nhân ngộ độc tăng hơn 2 lần

Theo đánh giá của bác sĩ Hùng, thời gian qua bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy không những ngày càng gia tăng mà các tác nhân gây ngộ độc ngày càng phong phú.

Bệnh nhân bị ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: PV

Bệnh nhân bị ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: PV

"Trong 10 năm từ 2010 - 2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận và điều trị khoảng 15.000 ca ngộ độc. Thời gian đầu, mỗi năm số ca ngộ độc vào khoảng 800 - 1.000, nhưng sau đó tăng rất nhanh và hiện con số này đã lên đến 2.000. Nam giới bị ngộ độc cao hơn so với nữ giới và tình trạng ngộ độc đang ngày càng trẻ hóa”, bác sĩ Hùng thông tin.

Phân tích của bác sĩ Hùng cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc chủ yếu do các nguyên nhân chính gồm: rắn cắn; rượu; thuốc gây nghiện và thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm.

Trong số các nguyên nhân gây ngộ độc trên, ngộ độc do rắn độc cắn chiếm số lượng lớn nhất. Số lượng bệnh nhân ngộ độc do rắn cắn gia tăng nhanh. Nếu như năm 2010 - 2011, mỗi năm có khoảng 300 bệnh nhân thì đến năm 2018 - 2019 đã lên đến 700 bệnh nhân mỗi năm. Những bệnh nhân ngộ độc do rắn cắn tập trung chủ yếu là rắn lục xanh, rắn chàm quạp, chiếm khoảng 70%; kế đến là rắn hổ mèo, rắn hổ đất chiếm khoảng 15 - 20%.

“Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc nọc rắn, chủ yếu là điều trị triệu chứng khiến bệnh nhân phải điều trị kéo dài trong phòng hồi sức tích cực (ICU) dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Hùng nói.

Đối với ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 350 đến 500 bệnh nhân, trong đó tập trung chủ yếu là ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat.

“Dù từ năm 2019 nhà nước đã cấm lưu hành thuốc diệt cỏ này, nhưng trong thời gian gần đây tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat ngày càng nhiều. Đây là loại ngộ độc rất nguy hiểm nhưng chưa có phác đồ điều trị, chỉ điều trị triệu chứng”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện đang ngày càng trẻ hóa. Điều này cho thấy người trẻ đang lạm dụng bia rượu và sử dụng các chất gây nghiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, các trường hợp ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện có tỷ lệ tử vong cao, nhưng thường những trường hợp này lại phát hiện chậm.

Riêng ngộ độc thực phẩm có số lượng thấp nhất trong các nguyên nhân gây ngộ độc trên. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, nhưng phần lớn đều xuất hiện thành chùm ca ngộ độc.

Điều trị ngộ độc còn nhiều hạn chế

Trong lúc tình trạng ngộ độc ngày càng gia tăng, phức tạp, xuất hiện nhiều tác nhân gây ngộ độc, nhưng theo bác sĩ Hùng hiện nay các phương tiện xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán xác định ngộ độc còn rất hạn chế; phần lớn các cơ sở y tế không có khoa, đơn vị chống độc riêng mà lồng ghép chung trong các ICU; không ít các trường hợp ngộ độc cấp không phát hiện; không có mạng lưới hoạt động như các chuyên ngành khác; không có trung tâm lưu trữ và các thuốc giải độc quý hiếm; phác đồ điều trị bệnh lý nhiễm độc chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung gây ra nhiều lúng túng cho bác sĩ điều trị; nghiên cứu khoa học, chủ động sản xuất các thuốc giải độc chưa đáp ứng được nhu cầu; không có sự phối hợp giữa khối điều trị và các cơ quan có liên quan…

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với công tác điều trị ngộ độc hiện nay là thiếu thuốc giải độc đặc hiệu, nhất là những ngộ độc hiếm gặp.

Chính vì vậy, dù hiện nay Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng nhiều biện pháp cấp cứu hồi sức với những phương tiện hiện đại, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn chưa cải thiện, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân ngộ độc không rõ tác nhân.

Để giải quyết tình trạng trên, bác sĩ Hùng cho biết cần đặt nền tảng cho hệ thống mạng lưới chống độc toàn quốc; tăng cường khả năng xét nghiệm tầm soát xác định độc chất; xây dựng mối liên hệ hỗ trợ, chẩn đoán các loại độc chất do động thực vật độc giữa các bệnh viện và Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong nghiên cứu, sản xuất và đánh giá hiệu quả lâm sàng các loại huyết thanh kháng độc giữa các bệnh viện và Viện vắc xin sinh phẩm y tế.

Ngoài ra, cần soạn thảo, cập nhật, bổ sung các phác đồ điều trị nhiễm độc và trình Hội đồng khoa học và Cục Quản lý khám chữa bệnh xem xét quyết định; thảo luận về sự phối hợp điều chuyển các loại thuốc giải độc quý hiếm trên quy mô toàn quốc; phối hợp nghiên cứu khoa học với các trung tâm chống độc quốc tế, đặc biệt tìm nguồn đào tạo bác sĩ trẻ về chuyên ngành hồi sức chống độc…

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/benh-nhan-ngo-doc-tang-gap-doi-giai-phap-nao-cho-cong-tac-dieu-tri-193574.html