Bệnh nhân 'nhìn 1 thành 2' bị bệnh viện tố ngược 'vòi tiền'

Cụ ông cho rằng do bệnh viện phẫu thuật sai quy định gây sẹo giác mạc dẫn đến bị song thị nên kiện đòi bồi thường. Bệnh viện (BV) phản bác, đưa ra bằng chứng cụ ông không bị song thị, việc phẫu thuật mộng thịt là đúng luật, đúng quy trình, nên không chấp nhận. Kỳ án tranh cãi suốt năm năm chưa hồi kết.

Cụ Thiện cho rằng bị song thị do biến chứng sau phẫu thuật nên BV Phương Nam phải bồi thường

Kiện đòi BV bồi thường vì “song thị” sau phẫu thuật

Suốt năm năm qua, cụ ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1940, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM) cương quyết mắt cụ bị song thị là do BV mắt Kỹ thuật cao Phương Nam (số 360, Điện Biên Phủ, quận 10) gây ra.

Theo lời cụ Thiện, thông qua quảng cáo, cụ biết được BV Phương Nam. Ngày 13/12/2014, cụ đăng ký khám và được xác định bị cườm khô, mộng thịt mắt trái, phải phẫu thuật. Các bác sĩ tại đây khám, xét nghiệm, cho rằng đủ điều kiện phẫu thuật.

“Sau này tôi tìm hiểu mới biết Bộ Y tế cấm phẫu thuật mộng thịt nhưng Phương Nam vẫn tiến hành. Họ làm hồ sơ phẫu thuật cườm khô rất đầy đủ nhưng phẫu thuật mộng thịt rất sơ sài. Việc phẫu thuật mộng thịt, không hề có sự đồng ý của tôi hoặc con tôi (người đi cùng khi đó – NV)”, cụ Thiện kể lại.

Một trong những chứng cứ để cụ kiện Phương Nam là vào thời điểm khám trước phẫu thuật, mắt trái của cụ chỉ bị cườm khô, mộng thịt. Ngoài ra, không có bệnh lý nào khác.

“Sau phẫu thuật, về tới nhà, tôi thấy khó chịu, mắt chao đảo, nhìn thấy 2 – 3 hình, muốn té. Trong lần tái khám 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng, tôi đều phản ánh tình trạng trên nhưng bác sĩ Phan Phước Thái Bình, người điều trị cho tôi, không khám cho thật kĩ tìm nguyên nhân mà cứ giải thích mắt tôi mổ cườm khô nhưng có bệnh cườm nước nên sáng ít. Còn lời trình bày của tôi, BS Bình nói là lời than phiền của bệnh nhân”, cụ Thiện trình bày.

Không đồng ý với giải thích trên, cụ Thiện khiếu nại đến BV và được lập Hội đồng chuyên môn khám. Cụ Thiện nói: “Mắt tôi bị song thị là do phẫu thuật mộng thịt để lại sẹo trên giác mạc. Đó là biến chứng y khoa sau phẫu thuật. BV phải chịu trách nhiệm. Nhưng họ không chịu bồi thường mà nói sẽ điều trị miễn phí đến khi nào mắt tôi bình thường trở lại. Tôi không đồng ý nên khởi kiện ra TAND quận 10”.

Sau khi khởi kiện, tòa cho cụ Thiện đi giám định tại Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP HCM. Theo Phân viện Pháp y Quốc gia cụ Thiện được khám tại Bệnh viện Mắt TP HCM với kết quả “mắt trái: Sẹo giác mạc góc trong do mộng thịt, thủy tinh thể nhân tạo yên, chính tâm. Soi đáy mắt chưa phát hiện tổn thương”. Kết luận: Mắt trái song thị một mắt do loạn thị/sẹo giác mạc và nhìn có hình ảnh chao đảo do bệnh lý.

“Kết luận giám định cho thấy nguyên nhân bị song thị của tôi là do loạn thị/sẹo giác mạc. Trong khi đó, trước khi phẫu thuật cườm khô, mộng thịt, mắt tôi hoàn toàn không bị song thị, không bị loạn thị hoặc sẹo ở giác mạc. Điều đó cho thấy có đủ căn cứ xác định mắt tôi bị song thị do Phương Nam gây ra”, cụ Thiện nói.

“Kết luận rất rõ ràng nhưng không hiểu tại sao tòa kéo dài thời gian, mãi đến tháng 12/2018 mới xét xử. Quá trình xét xử tòa không đánh giá chứng cứ tôi nêu ra và tuyên bác đơn khởi kiện của tôi; như vậy là hoàn toàn trái luật, gây thiệt hại cho tôi”, cụ Thiện nói.

Theo cụ Thiện, khi mới khởi kiện, cụ đòi bồi thường 123 triệu. Nhưng đến phiên sơ thẩm, do thiệt hại về thu nhập, công sức, cụ yêu cầu bồi thường 1,3 tỷ.

Đến nay, theo cụ Thiện, tình trạng mắt của cụ là nhìn nghiêng về bên trái, ngước lên, nhìn xuống không được, nhìn thấy hình ảnh méo xẹo, hai ba hình. Chỉ có thể nhìn nghiêng về bên phải.

BV mắt Kỹ thuật cao Phương Nam cho rằng cụ Thiện “vòi tiền bệnh viện”

PGĐ BV: “Cụ nói song thị là vu khống cho bệnh viện”

Ngược lại với phản ánh của cụ Thiện, BV Phương Nam lại đưa ra lý lẽ khác phản bác, cho rằng việc phẫu thuật mắt cho cụ Thiện không hề xảy ra biến chứng y khoa và “hiện cụ Thiện không bị song thị”.

Bà Trần Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc (PGĐ) BV Phương Nam nói: “Tháng 12/2014, cụ Thiện thăm khám và được xác định mắt trái thị lực 1/10, bị cườm khô, mộng thịt phải phẫu thuật. Chúng tôi đã hoàn tất thủ tục khám, xét nghiệm theo đúng quy định. Các bác sĩ đã giải thích với cụ và người con trai đi cùng. Con trai cụ đồng ý và đóng tiền. Nếu không đồng ý, tại sao lại đóng tiền?”.

Bà Phương cho rằng phẫu thuật cườm khô là phẫu thuật đặc biệt nên lập hồ sơ bệnh án. Còn với mộng thịt chỉ là trung phẫu nên được kết hợp chung với phẫu thuật cườm khô.

“Cụ Thiện nói khi khám không phát hiện bệnh lý khác liên quan đến song thị là không đúng. Lúc khám, mắt cụ bị cườm khô che mờ, đục nên không thấy được có song thị hay không và việc soi đáy mắt rất khó. Việc xác định cụ có bị song thị hay không có thể cho bệnh nhân nhìn rồi xem xét phản ứng, hoặc do bác sĩ thần kinh nhãn khoa thăm khám. Cụ bị song thị trước khi phẫu thuật hay sau khi phẫu thuật hoặc không bị song thị, là lời khai chủ quan của cụ”, bà Phương nói.

Về việc sau khi phẫu thuật, tái khám 4 lần, khi thăm khám thì đáy mắt tốt nhưng cụ khai thấy 2 hình. Bà Phương nói: “Điều này rất vô lý. Nếu bị song thị thì cụ Thiện sẽ không ngồi vững, không đi đứng, chạy xe được, không viết chữ được. Cụ rất khó chịu. Chúng tôi mời Hội đồng chuyên môn, có chuyên gia nhãn khoa của BV mắt TP HCM khám. Cụ cứ chửi, không chịu khám. Cụ vào có một lần đó, đòi bồi thường. Chúng tôi có thương lượng vì đó là nguyên tắc đầu tiên, giải quyết cho bệnh nhân trước. Chúng tôi đề nghị cụ vào khám và sẽ điều trị miễn phí cho đến khi nào cụ hài lòng nhất về mắt của mình, nhưng cụ không chịu”.

Vẫn lời bà Phương: “Lúc nào phẫu thuật mộng thịt đều để lại một sẹo nhỏ trên giác mạc. Cụ khai bị song thị nhưng khám lại thì mắt vẫn tốt hết. Cụ nói song thị là vu khống cho bệnh viện. Cụ chạy xe máy một mình bình thường, từ nhà đến BV, từ nhà đến tòa mà không cần giúp sức của ai. Nếu song thị, không thể làm được những chuyện này”.

Tại sao cơ quan pháp y khẳng định cụ Thiện bị song thị, BV có ý kiến gì với kết luận này hay không? Bà Phương nói: “Cụ có thể bị song thị trước khi hoặc sau khi phẫu thuật, thần kinh cụ yếu gì đó thì cũng bị song thị. Chúng tôi không có ý kiến gì với kết luận này. Họ kết luận song thị do bệnh lý là cũng đúng đó. Phẫu thuật mộng thịt lúc nào cũng để lại sẹo”.

Bà Phương nói: “Nói thẳng ra là cụ vòi tiền của bệnh viện. Chúng tôi làm đúng quy trình. Cụ khai thấy hai hình là do chủ quan. Đã có kết luận của pháp y họ nói có thể do mộng thịt làm cụ thấy hai hình. Nhưng mà cụ không thể nào thấy hai hình được. Nếu hai hình cụ không thể nào chạy xe, đi lại được”.

Ngoài ra, bà Phương cho rằng việc cụ Thiện phản ánh Bộ Y tế không cho phẫu thuật mộng thịt là hoàn toàn không đúng. Việc phẫu thuật mộng thịt là bình thường, không bị cấm.

Trước những lập luận, và “tố cáo” trên của BV, cụ Thiện nói gì?

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/benh-nhan-nhin-1-thanh-2-bi-benh-vien-to-nguoc-voi-tien-457317.html