Bệnh nhân ung thư được tạo lưỡi mới từ da và cơ tay

Người phụ nữ Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lưỡi sau khi phát hiện một vết loét nhỏ trong miệng và phải cắt bỏ bộ phận này.

Theo Daily Mail, Joanna Smith, 58 tuổi, ở Bedfordshire, chưa từng hút thuốc lá, đi khám sau khi vết loét trong miệng bắt đầu to ra và gây đau đớn. Ban đầu, bà được kê toa thuốc và gel bôi chữa loét miệng, nhưng không khỏi. Sau đó, bà phải tới Bệnh viện Bedford để sinh thiết tìm ra nguyên nhân.

Bác sĩ đã chẩn đoán bà Joanna bị ung thư lưỡi và chuyển tới Bệnh viện Luton để phẫu thuật. Bà buộc phải cắt bỏ lưỡi nếu không sẽ chỉ sống được trong vòng 8 tháng.

29 bác sĩ đã tham gia vào cuộc phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ lưỡi, nhổ bỏ một số chiếc răng của bệnh nhân. Một mảnh nhỏ của lưỡi thật được giữ lại để có thể giúp chiếc lưỡi mới di chuyển.

Chiếc lưỡi mới giúp bà nói chuyện bình thường dù mất cảm giác vị giác. Ảnh: Metro.

Chiếc lưỡi mới giúp bà nói chuyện bình thường dù mất cảm giác vị giác. Ảnh: Metro.

Ban đầu, các bác sĩ sử dụng một phần da, cơ và tĩnh mạch ở chân phải để gắn vào miệng bệnh nhân. Tuy nhiên, nó nhanh chóng đổi màu đen, dấu hiệu các mô ghép đã bị chết. Lần phẫu thuật này kéo dài 10 giờ đồng hồ.

Sau đó, bệnh viện đã xin phép gia đình bệnh nhân tiếp tục thử lại bằng cách sử dụng phần thịt từ cánh tay trái. Họ mất thêm 5 giờ nữa để tái tạo lưỡi bằng da, cơ và tĩnh mạch dài ở cánh tay trái.

Phần da, cơ và tĩnh mạch ở cánh tay trái được lấy để tạo lưỡi mới cho bà Joanna. Ảnh: Metro.

Mặc dù không còn vị giác, bà Joanna đã có thể nói chuyện ngay khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật và ăn uống bình thường. Căn bệnh ung thư lưỡi cũng được chữa khỏi.

"Khi tôi thức dậy, tôi hơi mất phương hướng nhưng có thể nói chuyện ngay lập tức. Có cảm giác thứ gì đó kỳ lạ trong miệng của mình. Nó khiến tôi muốn lấy ra khỏi miệng, nhưng không thể vì đó là lưỡi của tôi", bà Joanna cho biết. Sau 11 ngày điều trị, bà Joanna đã hồi phục và được xuất viện về nhà.

Dù ca phẫu thuật đã thành công, bà Joanna phải cẩn thận trong việc ăn uống và nói chuyện. "Tôi phải chú ý không cắn vào lưỡi, vì hiện tại tôi không thể cảm nhận được điều đó. Tôi nếm, ăn được mọi thứ nhưng chỉ cảm nhận được ở phía trên vòm miệng chứ không phải lưỡi", người phụ nữ đã làm bà ngoại chia sẻ.

Bà cũng phải tránh thực phẩm quá nóng để tránh bị bỏng lưỡi mới và đang chuyển sang ăn thực phẩm rắn.

Phương Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/benh-nhan-ung-thu-duoc-tao-luoi-moi-tu-da-va-co-tay-post918344.html