Bệnh nhân vảy nến có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có tác động đáng kể đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc thích hợp cho bệnh nhân vảy nến.

Chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người có nguy cơ và người dân nói chung hiện đang cho kết quả rất khả quan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với người bệnh vảy nến nói riêng, được tiếp cận vaccine phòng ngừa COVID-19 rất cần thiết.

Vaccine phòng COVID-19 có tác động thế nào với bệnh nhân vảy nến?

Theo khuyến cáo của Hội đồng Bệnh vảy nến quốc tế (IPC), cần nên lưu ý những điều sau:

1. Những lưu ý chính đối với vaccine phòng COVID-19 cũng giống như đối với bất kỳ vaccine nào: Tránh dùng vaccine sống làm giảm độc lực nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch/điều hòa miễn dịch cho bệnh nhân và lưu ý rằng hiệu quả của việc tiêm phòng có thể bị suy giảm ở những người dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch .

2. Hiện tại, các loại vaccine được sử dụng gần nhất ở quy mô dân số là loại dựa trên RNA (Pfizer/ BioNTech, Moderna) hoặc dựa trên virus thiếu khả năng sao chép (Oxford/AstraZeneca). Chúng không phải là vaccine sống giảm độc lực.

Vì vậy bệnh nhân vảy nến dù đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch có thể tiêm vaccine phòng COVID-19.

3. Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nếu không có chống chỉ định hoặc không bị dị ứng với thành phần vaccine sẽ được khuyến nghị tiêm một trong các loại vaccine phòng COVID-19 này càng sớm càng tốt dựa trên sự sẵn có tại địa phương và hướng dẫn của các cơ quan y tế công cộng địa phương .

4. Các thử nghiệm cho đến nay không bao gồm những người dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và do đó tác dụng của vaccine đối với nhóm dân số cụ thể này sẽ cần được thiết lập, theo dõi.

5. Nhiều người bị bệnh vảy nến đã nêu lên lo ngại về tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine đối với bệnh da của họ. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy vaccine ảnh hưởng đến sự khởi phát hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến.

6. Điều quan trọng là tất cả bệnh nhân bị vảy nến phải được chăm sóc đầy đủ. Điều này bao gồm việc tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.

Hiểu thêm về bệnh vảy nến

Theo ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến.

Căn bệnh này thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn.

Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên...

Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục.

Do đó, việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//benh-nhan-vay-nen-co-nen-tiem-vaccine-phong-covid-19-169210802221733991.htm