Bệnh nhi 13 tuổi tổn thương gan do sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân

Sau khoảng 1 tháng sử dụng một loại thuốc hỗ trợ giảm cân, trẻ có biểu hiện sạm da, kèm theo đau tức ngực, khó thở, xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngày 3/8, đơn vị tiếp nhận một bệnh nhi được người nhà đưa đến khám với biểu hiện: sạm da, kèm theo đau tức ngực, khó thở. Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào gan cấp nghi do sử dụng thuốc.

Bệnh nhi có chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường. Bệnh nhi nhanh chóng được sử dụng các thuốc để kiểm soát huyết áp, đồng thời theo dõi sát toàn trạng. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được ra viện.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, khoảng 1 tháng trở lại đây có cho trẻ sử dụng một loại thuốc hỗ trợ giảm cân. Qua loại thuốc do người nhà cung cấp, bác sĩ Ma Văn Minh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh xác định: trong thuốc có thành phần Garcinia Cambogia (GC), một loại trái cây nhiệt đới, được dùng khá thông dụng trong các loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên trên thực tế, một số người sau khi dùng gặp các vấn đề nghiêm trọng về gan.

Kết quả xét nghiệm của trường hợp bệnh nhi 13 tuổi bị tổn thương gan do sử dụng thuốc giảm cân. Ảnh: baolangson

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em không nên sử dụng các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ giảm cân không rõ nguồn gốc; không nên sử dụng các loại thuốc và thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Dưới đây là những gì cha mẹ và thanh thiếu niên nên biết về thuốc giảm cân do BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống:

1. Thanh thiếu niên cần dùng thuốc giảm cân trong bao lâu?

Các bác sĩ điều trị bệnh béo phì ở trẻ em cho biết, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà họ nhận được từ các bậc cha mẹ là con họ cần dùng thuốc giảm cân trong bao lâu.

Đối với các loại thuốc chủ vận GLP-1 như wegovy, ngày càng có nhiều chuyên gia đồng thuận rằng, người lớn sẽ cần dùng chúng lâu dài để duy trì cân nặng. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, đối với những người thành công với thuốc mà bỏ thuốc, nhiều người tăng cân trở lại. Tuy nhiên, lại chưa có dữ liệu về điều này ở thanh thiếu niên.

TS. Emily Breidbart, bác sĩ nội tiết nhi khoa tại NYU Langone Health (New York) cho biết: Các loại thuốc điều trị béo phì nên được coi tương tự như các loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính khác, như tăng huyết áp hay cholesterol cao… cần được sử dụng lâu dài để duy trì kết quả. Lấy ví dụ, giả sử bạn đang dùng statin để điều trị cholesterol cao, khi bạn ngừng dùng thuốc đó, lượng cholesterol của bạn sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc cho người lớn tuổi dùng thuốc suốt đời so với trẻ em. Các loại thuốc này sẽ đóng góp thêm vào kho vũ khí chống béo phì, nhưng những tác động lâu dài chưa biết của việc bắt đầu dùng chúng khi còn quá trẻ. Nếu bạn đang bắt đầu sử dụng ma túy và ai đó ở độ tuổi 60, có thể bạn còn vài thập kỷ điều trị trước mắt, nhưng đối với một đứa trẻ phải điều trị cả đời, rủi ro sẽ lớn hơn rất nhiều, TS. David Ludwig, bác sĩ nội tiết nhi khoa tại Bệnh viện nhi Boston cho biết.

Do đó, cần có thêm dữ liệu về tác dụng lâu dài của việc bắt đầu dùng thuốc sớm nhưng cuối cùng, những rủi ro tiềm ẩn sẽ cần được cân nhắc với rủi ro béo phì lâu dài.

Ảnh minh họa

2. Khi nào con tôi nên bắt đầu dùng thuốc giảm cân?

Theo Hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, các bác sĩ nên cung cấp thuốc cho trẻ em mắc bệnh béo phì từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc khuyên dùng thuốc giảm cân hay không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và liệu cân nặng của trẻ có bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ theo những cách khác hay không.

Không giống như béo phì ở người lớn, thường được phân loại là chỉ số khối cơ thể từ 30 trở lên, thì không có ngưỡng BMI duy nhất cho trẻ em đang lớn. Chỉ số BMI nằm trong phạm vi béo phì đối với một cậu bé 12 tuổi có thể không được coi là béo phì đối với một cậu bé 16 tuổi. Đối với bệnh béo phì ở trẻ em, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác định ba phân loại mà bác sĩ nhi khoa sử dụng để giúp hướng dẫn điều trị.

CDC xếp hạng béo phì ở trẻ em từ loại I đến loại III. Với loại III liên quan đến các biến chứng sức khỏe nhiều nhất. Các hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ không chỉ định mức độ khẩn cấp để bắt đầu cho bệnh nhân dùng thuốc, tuy nhiên, các bác sĩ điều trị bệnh béo phì ở trẻ em thường tính đến các nguy cơ sức khỏe ở trẻ.

TS. Tiến sĩ Alaina Vidmar, bác sĩ nội tiết nhi khoa và là giám đốc y tế của phòng khám cân nặng khỏe mạnh tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles cho biết, chúng tôi biết rằng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tim… tăng khi mức độ béo phì tăng lên. Nhiều bác sĩ lâm sàng sẽ xem xét một đứa trẻ béo phì loại I không có bệnh đi kèm, khác với cách họ có thể tiếp cận một đứa trẻ béo phì loại III với tiền đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao. Những bệnh đi kèm này sẽ khiến bác sĩ có nhiều khả năng khuyên dùng thuốc chống béo phì hơn.

Các vấn đề liên quan đến béo phì như ngưng thở khi ngủ hoặc đau khớp cũng có xu hướng tiếp cận sử dụng thuốc hơn, đặc biệt là với những người không thành công với các phương pháp giảm cân khác, như ăn kiêng và tập thể dục.

3. Nếu con tôi đang dùng thuốc giảm cân, có cần chế độ ăn kiêng và tập thể dục không?

Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đầy đủ là bắt buộc, ngay cả khi bạn đang dùng thuốc giảm cân. Mặc dù thuốc có hiệu quả, nhưng không có nghĩa là thuốc làm giảm được số cân dư thừa mà họ cần, đối với người mắc bệnh béo phì nghiêm trọng.

Các loại thuốc này sẽ không chữa khỏi hoàn toàn bệnh béo phì, vì chúng chỉ làm giảm khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Điều này là tuyệt vời, nhưng nhiều bệnh nhân có trọng lượng dư thừa hơn 15% và có thể lên tới 50% hoặc trong một số trường hợp là 100% trọng lượng dư thừa trở lên.

Do đó, cần chú trọng vào chế độ ăn uống và có thể kết hợp chế độ ăn ít carbohydrate với liều thuốc giảm cân thấp hơn. Điều này, có thể giúp bạn sẽ gặp ít tác dụng phụ hơn, không phải trả nhiều tiền cho loại thuốc đó và rủi ro lâu dài cũng thấp hơn, TS. Ludwig cho biết.

4. Những loại thuốc này có thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống không?

Đây là một trong những băn khoăn của các nhóm tập trung vào điều trị và ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống, ước tính ảnh hưởng đến 20% trẻ em. Họ lo ngại rằng, việc sử dụng thuốc giảm cân trong nhóm dân số trẻ này, sẽ góp phần làm gia tăng chứng rối loạn ăn uống. Điều này xuất phát từ nguyên nhân, ở những thanh niên uống thuốc giảm cân không kê đơn, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống và các báo cáo về việc các bác sĩ kê đơn thuốc cho người lớn một cách không phù hợp.

Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc trong những trường hợp béo phì nghiêm trọng, đặc biệt là với các bệnh đi kèm. Cần sàng lọc tất cả trẻ em về chứng rối loạn ăn uống trước khi chúng bắt đầu dùng thuốc giảm cân. Đối với những trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống cần cân nhắc thận trọng hơn trong việc bắt đầu cho trẻ dùng thuốc giảm cân.

Một số loại thuốc hỗ trợ giảm cân được cấp phép lưu hành hiện tại

- Orlistat: Đây là hoạt chất phổ biến trong hỗ trợ kiểm soát cân nặng cho người lớn. Thuốc có tác dụng ức chế enzyme lipase. Là enzyme tiêu hóa chất béo của dạ dày và tuyến tụy, ngăn cản sự hấp thu chất béo bình thường của hệ tiêu hóa nhưng không hoàn toàn. Thuốc chỉ có tác dụng khi uống trong bữa ăn giàu chất béo, còn với chế độ ăn giàu carbohydrate (chất đường bột) thì thuốc không có tác dụng. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các tổn thương gan hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, dẫn đến tử vong hoặc phải ghép gan trên 13 trường hợp khi dùng thuốc này. Tuy nhiên kết, luận cuối cùng vẫn chưa đủ bằng chứng là do thuốc. Người sử dụng cần ngưng thuốc khi có bất kỳ triệu chứng nào của rối loạn chức năng gan như chán ăn, ngứa, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt, đau hạ sườn phải… Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây sỏi thận, sỏi mật.

- Phentermine (có thể kết hợp topiramate): Là các hoạt chất thuốc kê đơn tác động trên hệ thần kinh trung ương, gây ra cảm giác chán ăn. Thuốc chỉ dùng trong thời gian ngắn dưới sự giám sát của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng cùng với các thuốc giảm cân liên quan tới tác động thần kinh khác vì các tác dụng không mong muốn nguy hiểm như: tăng áp động mạch phổi, tăng nhịp tim, bệnh van tim, rối loạn tâm thần. Chống chỉ định cho người có tiền sử bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim…) và tăng nhãn áp.

- Liraglutide: Là hoạt chất kê đơn dùng điều trị đái tháo đường type 2, nhưng cũng có chỉ định cho kiểm soát cân nặng dưới dạng bút tiêm dưới da, điều hòa đường huyết và tạo ra cảm giác no. Thuốc có nguy cơ gây viêm tụy cấp, hạ đường huyết quá mức và tăng nhịp tim.

- Setmelanotide: Hoạt chất đầu tiên được FDA cấp phép vào năm 2020 cho điều trị béo phì có nguyên nhân do các rối loạn hiếm gặp về gen.

Các hoạt chất từng được sử dụng nhưng nay đã bị cấm vì các tác dụng phụ nguy hiểm trên tim mạch, hệ thần kinh, gan, thận và khả năng gây ung thư: sibutramine, lorcaserin, fenfluramine, dexfenfluramine, phenolphthalein…

Tâm An (t/h)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/benh-nhi-13-tuoi-ton-thuong-gan-do-su-dung-thuoc-ho-tro-giam-can-d2716.html