Bệnh nhi bị tăm tre đâm thủng ruột non mà tưởng đau dạ dày

Bị đau bụng âm ỉ quanh rốn liên tục, bệnh nhi nghĩ rằng mình bị đau dạ dày nên tự ý mua thuốc uống. Thế nhưng, tình cờ kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện một chiếc tăm dài khoảng 6cm đâm thủng ruột non, tạo khối áp xe trong ổ bụng người bệnh.

Trước đó, em T.H.S. (14 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM theo lịch hẹn để thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh thông liên thất bẩm sinh.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ phẫu thuật thì người bệnh xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ quanh rốn liên tục, thỉnh thoảng kèm buồn nôn, không sốt. Theo S., những triệu chứng này xuất hiện cách đây đã hơn một tuần. Nhưng do nghĩ rằng mình bị đau dạ dày nên em tự ý mua thuốc uống. S. có thói quen ăn nhanh, nuốt vội nhưng không nhai và ngậm tăm sau khi ăn.

Sau khi chụp CTscan ổ bụng cho người bệnh, các bác sĩ phát hiện một chiếc tăm dài khoảng 6cm đâm thủng ruột non, tạo khối áp xe trong ổ bụng bệnh nhân.

Người bệnh lập tức được phẫu thuật nội soi lấy dị vật và cắt bỏ đoạn ruột bị thủng kèm khối áp xe quanh dị vật. Sau đó, toàn bộ khối này được đưa ra ngoài qua lỗ mở bụng nhỏ 4cm.

Theo bác sĩ, vì được phát hiện và phẫu thuật lấy dị vật kịp thời bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, nên sau mổ người bệnh phục hồi nhanh, có thể ăn uống, sinh hoạt như bình thường và xuất viện sau 5 ngày.

Dị vật được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi

Bệnh nhân được hẹn tái khám sau 2 tuần để chắc chắn không còn tình trạng viêm nhiễm trong ổ bụng cũng như tại vết mổ. Sau đó, S. sẽ được phẫu thuật điều trị bệnh tim của mình.

TS.BS. Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, người bệnh rất may mắn vì được phát hiện tình trạng viêm nhiễm ổ bụng một cách tình cờ khi khám định kỳ bệnh tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, que tăm người bệnh nuốt sẽ tiếp tục làm thủng thêm những quai ruột khác, làm lan rộng tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ, việc sử dụng tăm là một thói quen từ rất lâu của người Việt Nam. Thậm chí một số người còn có thói quen ngậm tăm, vừa mất thẩm mỹ, mất vệ sinh, vừa gây nguy hiểm cho bản thân nếu lỡ nuốt phải.

Trong trường hợp không may nuốt phải tăm hay bất kì dị vật nào, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa để lấy dị vật càng sớm càng tốt cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/benh-nhi-bi-tam-tre-dam-thung-ruot-non-ma-tuong-dau-da-day-post47698.html