Bệnh nhi cao thêm 7cm sau phẫu thuật vẹo sột sống

Ngày 25/5, khoa Chấn thương chỉnh hình-cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM) thực hiện phẫu thuật cho 3 bệnh nhi bị vẹo cột sống nặng bằng kỹ thuật định vị 3 chiều Navigation kết hợp máy O-Arm.

Trong đó, bệnh nhi T. N.K.G (SN 2007) do thói quen ngồi học không đúng tư thế dẫn đến bị vẹo cột sống nặng hình chữ S với 2 vùng cong 98 độ và 57 độ. Từ đó, khiến cho lồng ngực bé bị lép do xương sườn xẹp, gây chèn ép tim, phổi bị xẹp, giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp.

Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã mổ nắn chỉnh cột sống cho bệnh nhân với 24 ốc chân cung và hàn xương. Sau phẫu thuật, đường cong cột sống của bệnh nhân được nắn chỉnh hơn 90%, chiều cao của bệnh nhân cũng tăng lên 7cm sau phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Trà, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - cột sống, Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Nam Sài Gòn cho biết, kể từ khi bệnh viện ứng dụng công nghệ định vị phẫu thuật 3 chiều Navigation & O- Arm trong phẫu thuật cột sống, bệnh viện tiếp nhận nhiều hơn những trường hợp vẹo cột sống nặng ở lứa tuổi học đường.

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vẹo cột sống, một số trẻ em sinh ra đã bị vẹo cột sống bẩm sinh, một số trẻ em bị vẹo cột sống do sai tư thế ngồi hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, cơ, bướu, lao động không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống.

Theo bác sĩ Trà, thông thường, khó khăn lớn nhất của ca mổ vẹo cột sống là có thể khiến bệnh nhân bị liệt nếu không may dụng cụ phẫu thuật chạm vào rễ thần kinh, tủy sống.

“Tuy nhiên, Khoa vừa mới được trang bị hệ thống theo dõi rễ thần kinh, tủy sống trong mổ giúp xác định vị trí có thể thao tác và máy sẽ cảnh báo ngay khi có dấu hiệu chạm vào rễ thần kinh, tủy sống. Điều này giúp cho phẫu thuật viên yên tâm hơn khi phẫu thuật và giúp cho bệnh nhân giảm được các nguy cơ liệt do phẫu thuật”, bác sĩ Trà cho hay.

Thông thường trẻ cong vẹo cột sống phát hiện sớm trước 10 tuổi thường tiên lượng nặng. Nếu để tình trạng này kéo dài bệnh sẽ nặng hơn khiến trẻ bị đau đớn, biến dạng lồng ngực làm hô hấp tim mạch thay đổi, chậm quá trình phát triển của cơ thể gây suy dinh dưỡng. Do vậy, cần phải phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/benh-nhi-cao-them-7cm-sau-phau-thuat-veo-sot-song-post59786.html