Bệnh suy thận ngày càng gia tăng và trẻ hóa

Theo một thống kê gần đây của ngành y tế, mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng trên 8.000 người bị bệnh thận. Hiện, cả nước có hàng triệu người suy thận các mức độ và hàng chục ngàn người phải chạy thận nhân tạo, trong đó, số lượng bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Một ca chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa, ghi nhận ở các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, bệnh nhân mắc suy thận đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh suy thận thường chỉ xuất hiện ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 40 tuổi đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, bệnh nhân mắc suy thận mạn phải lọc máu tăng khoảng gần 40% trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Bệnh nhân H.V.L. vốn bị bệnh đái tháo đường nhưng do phát hiện muộn cộng thêm không tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ nên gây ra biến chứng suy thận, phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. “Mỗi tuần, tôi phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Vì mất quá nhiều thời gian cho việc chạy thận nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày cũng như công việc của bản thân và gia đình” - bệnh nhân L. chia sẻ.

Bác sĩ CKII Đặng Thế Đạt, Giám đốc Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tình trạng bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến thận ngày càng có xu hướng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là thách thức không nhỏ đối với ngành y tế. Trong số hơn 500 bệnh nhân suy thận mạn đang phải lọc máu chu kỳ tại Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có khoảng gần 20% bệnh nhân trong độ tuổi này. Nguyên nhân của bệnh thận mạn tính đầu tiên là do những tổn thương cầu thận không được điều trị kịp thời; bị các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout; do ảnh hưởng từ sinh hoạt thiếu khoa học như: ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động... làm gia tăng nguy cơ bị thận mạn tính; do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như: thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh; nhiều trường hợp mắc bệnh tự ý sử dụng thuốc Đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính còn do yếu tố di truyền. Bệnh thận thường diễn tiến âm thầm, rất khó phát hiện và người bệnh đến bệnh viện điều trị đều đã ở giai đoạn nặng. Suy thận mạn tính giai đoạn cuối là gánh nặng rất lớn đối với bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân còn trẻ bởi việc điều trị rất tốn kém.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh thận mạn tính là tình trạng rối loạn chức năng, cấu trúc của thận kéo dài trên 3 tháng. Bệnh thận mạn tính diễn ra trên 5 giai đoạn, trong đó, giai đoạn thứ 5 (suy thận) là phải chạy thận. Triệu chứng của bệnh thận mạn tính giai đoạn đầu thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng rõ rệt thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của suy thận phải chỉ định lọc máu cấp cứu và chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người trẻ tuổi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối nhưng đa số có tâm lý chủ quan hoặc chán nản, không tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quá trình điều trị, mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng, suy giảm sức khỏe nặng nề và trở thành gánh nặng cho gia đình. Các bác sĩ khuyến cáo, để giảm các nguy cơ gây suy thận, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và kiểm soát bệnh lý nền tốt. Cụ thể, cần uống đủ nước trong ngày và ăn giảm lượng đạm để tránh quá tải cho thận. Cần hạn chế đồ ăn mặn và quá ngọt, quá nhiều chất béo; không hút thuốc lá, uống rượu bia; tăng cường vận động hàng ngày, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần.

Bài và ảnh: Hà Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/benh-suy-than-ngay-cang-gia-tang-va-tre-hoa-214797.htm