Bệnh tay chân miệng đang đến đỉnh dịch

Hiện nay một số bệnh viện tại TP HCM, số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng cao. Sở Y tế thành phố đã xây dựng kịch bản để ứng phó.

Khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, phụ huynh sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Tăng công suất giường bệnh

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, so với tuần trước, tuần này số ca TCM tăng cao hơn. Nếu như tuần trước chỉ khoảng 76 bệnh nhân, tuần này lên đến 100 bệnh nhi bị TCM. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 92 ca bệnh TCM, trong đó có 12 ca nặng và thêm 8 ca đang nằm ở khoa hồi sức tích cực.

“Nếu cứ đà tăng số bệnh nhi mắc TCM như hiện nay, bệnh viện sẽ điều Khoa Nội tổng hợp tiếp nhận trẻ nhằm chia sẻ khó khăn với Khoa Nhiễm. Dự kiến, công suất của Khoa Nội tổng hợp lên đến 200 giường” – bác sĩ Tiến chia sẻ.

Trước thực tế số ca mắc TCM tăng cao, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP HCM lo lắng sẽ thiếu thuốc điều trị. “Thuốc điều trị bệnh TCM là thuốc sinh phẩm với thời gian điều chế dài chứ không phải thuốc tây thông thường. Bệnh viện đã báo cáo tình hình khó khăn trên với Sở Y tế TPHCM” - bác sĩ Tiến quan ngại.

Cũng trong tình trạng tiếp nhận lượng lớn bệnh nhi mắc TCM, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 1 đang chạy đua chăm sóc sức khỏe cho các bé. Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin, hiện khoa đang điều trị nội trú 112 ca TCM, trong đó có 23 ca độ nặng. So với tuần trước, số ca mắc TCM chưa có dấu hiệu giảm mà đang nhích lên.

Theo bác sĩ Quy - bệnh TCM tiến gần đến đỉnh dịch, giống như hình parabol đang đi lên. Hiện, bệnh nhi nhập và xuất viện liên tục, đặc biệt các ngày đầu tuần và cuối tuần bị dồn ứ. Mặc dù số ca TCM tăng cao nhưng bác sĩ Quy khẳng định chưa quá tải điều trị. “Năm 2011 – 2012 và 2018 – 2019 là những năm dịch lớn của bệnh TCM với số ca điều trị nội trú lên 280. Năm nay chỉ đang ở mức hơn 100 ca hoặc 240 ca thì chưa gọi là quá tải. Dù số ca TCM chưa nhiều, song bệnh viện cũng có kế hoạch tăng công suất lên tổng số 300 giường bệnh. Trong đó, cải thiện khu vực tầng 5 với 150 giường cùng 150 giường hiện hữu của khoa, chưa kể khu vực các khoa hồi sức” – BS Quy cho biết.

Theo giới chuyên gia trong ngành, dù số ca mắc bệnh TCM tăng song bệnh viện vẫn đủ thuốc điều trị. “Người dân không quá lo lắng để rồi đưa trẻ lên thẳng TP HCM điều trị sẽ gây quá tải. Khi phát hiện trẻ bị TCM nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp trẻ đang sốt, mệt lả phải di chuyển đường dài, như vậy bệnh trở nặng hơn”, bác sĩ Quy khuyến cáo.

Như mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận ca bệnh TCM ở Hậu Giang là trẻ 24 tháng tuối mắc TCM. Bệnh nhi được y tế địa phương tiếp nhận và điều trị nhưng người nhà quá lo lắng xin xuất viện đón xe lên TP HCM điều trị. Quãng đường di chuyển dài, người nhà lại không chuẩn bị thuốc hạ sốt, không chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Lên đến nơi, trẻ hạ đường huyết, bệnh trở nặng...

Xây dựng kịch bản ứng phó dịch

Sở Y tế TP HCM cho biết, trong tháng 6, thành phố có 2.690 ca mắc, gồm 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nhập viện điều trị trong tháng 6, có 118 ca nặng (tỷ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%) và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh TCM. Số ca mắc trong tháng 6 cao hơn nhiều so với số ca mắc hàng tháng, từ tháng 1 đến tháng 5. Bên cạnh đó, tổng số ổ dịch TCM trong 6 tháng là 125 (70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (64 ổ dịch).

Ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, tổng số ca mắc TCM tính từ đầu năm đến nay là 4.500 ca, thấp hơn các năm gần đây. Tuy nhiên, đáng lo ngại là sự xuất hiện của chủng EV71 từng gây dịch bệnh chết người tại TP HCM. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị, lập các tổ chuyên gia điều trị bệnh.

Để phòng chống dịch TCM hiệu quả, Sở Y tế TP HCM đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch TCM bao gồm 3 cấp độ. Thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bên cạnh đó, thành phố cũng thành lập Tổ chuyên gia điều trị bệnh TCM nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các đơn vị trong thành phố và các tỉnh/thành phố phía Nam đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.

Sở Y tế phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh TCM để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. HCDC tăng cường giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh TCM. Hầu hết các trạm y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại địa phương.

Cùng với sự gia tăng của bệnh tay chân miệng, 6 tháng đầu năm 2023, TP HCM ghi nhận 8.519 ca sốt xuất huyết, riêng tháng 6 là 758 ca (tăng 10% mỗi tuần). So với năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn thấp hơn và chưa có ca tử vong. Đại diện HCDC khuyến cáo, đang vào mùa sốt xuất huyết (từ tháng 7-10) do đó người dân nên cẩn trọng, lưu ý các biện pháp phòng chống dịch.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/benh-tay-chan-mieng-dang-den-dinh-dich-5722982.html