Bệnh tay chân miệng lan nhanh từng ngày

Bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng mạnh và có dấu hiệu lan nhanh trên diện rộng. Dù trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa ghi nhận ca nào nhiễm khuẩn EV71 – chủng vi rút có tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh nhưng bệnh TCM đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường nên người dân cần chủ động phòng chống, không nên chủ quan, lơ là...

Tính đến nay, toàn TP Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.280 ca bệnh TCM (cùng kỳ năm 2017 là hơn 1.150 ca) và 11 ổ dịch nhỏ, chưa có trường hợp tử vong. Nơi thu dung điều trị chính bệnh TCM trên địa bàn TP Đà Nẵng là Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng).

Trước tình trạng bệnh nhân TCM vào điều trị quá đông, Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) buộc phải kê thêm giường tại hành lang.

Trước tình trạng bệnh nhân TCM vào điều trị quá đông, Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) buộc phải kê thêm giường tại hành lang.

Chiều hướng diễn biến phức tạp

Sáng 9-10, có mặt tại Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng), chúng tôi ghi nhận đã xảy ra tình trạng quá tải. Theo các bác sỹ, mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới điều trị cho hơn 100 ca bệnh TCM. Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, Khoa Y học nhiệt đới đã phải kê thêm giường. Ngay cả, ngoài hành lang, dọc lối đi, thậm chí cả dưới chân cầu thang cũng được tận dụng để các bệnh nhân có nơi nghỉ ngơi... Đang bồng trên tay đứa con gái 3 tuổi, anh Trần Hồng M. (trú Q. Liên Chiểu) cho biết: “4 ngày trước, thấy con gái có triệu chứng bỏ ăn, sốt và lưỡi bị lở nên tôi vội đưa con đến BV Phụ sản – Nhi để điều trị. Hiện tại bệnh của cháu chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ nói cháu bị bệnh TCM nên phải tiếp tục được theo dõi điều trị trong một thời gian nữa...”.

Không riêng gì những bệnh nhi tại Đà Nẵng nhập viện ào ạt vào BV Phụ sản – Nhi, nhiều bệnh nhi mắc TCM tại Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng được cha mẹ đưa ra đây nằm điều trị. Điều đó, đã làm cho bệnh viện càng rơi vào tình trạng quá tải. Ước tính số bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi... chiếm khoảng gần 50% bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, phần lớn các trẻ mắc bệnh từ 1 đến 3 tuổi, nhưng nay, trẻ lớn hơn cũng bị nhiễm bệnh. Số ca bệnh tăng nhanh khiến công tác tiếp nhận và điều trị gặp nhiều khó khăn. Chị Lê Thị T. (quê Quảng Ngãi) cho biết: “Khi nghe các bác sỹ ở bệnh viện Quảng Ngãi thông báo đứa con trai 4 tuổi bị bệnh TCM, vợ chồng tôi liền xin xuất viện để đưa cháu ra đây nằm điều trị cho chắc ăn. Dù gì Đà Nẵng cũng là trung tâm y tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và có riêng BV chuyên khoa về nhi... Lỡ bệnh tình của cháu có trở nặng bất ngờ thì cũng được cứu chữa kịp thời... ”.

Theo Ths Đặng Quang Ánh – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng), dù trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa ghi nhận ca bệnh TCM nào nhiễm khuẩn EV71 nhưng không vì thế mà mọi người chủ quan, lơ là. Bởi, đây đang là đỉnh của bệnh TCM, nếu mọi người không chủ động phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát và lan rộng là rất lớn...

Chủ động phòng chống bệnh TCM

Theo bác sỹ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, để phòng chống bệnh TCM hiệu quả, mọi người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, đặc biệt vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ... “Người dân cần phải ăn chín, uống chín; đảm bảo nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn lau, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, mọi người cần để nhà ở, nơi sinh hoạt, trường học thông thoáng; thường xuyên lau sạch các bề mặt tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng; cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác...”, Bs Thạnh khuyến cáo.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các trường hợp mắc bệnh TCM trở nặng là do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà. Do vậy, việc phụ huynh nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong. Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da... Để phát hiện sớm bệnh TCM, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi thấy các triệu chứng như: bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống, bú ít và chảy nước bọt nhiều); bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay – bàn chân, mông, cùi chỏ, gối.

Các bác sỹ Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) cho rằng, đối với những trẻ mắc bệnh TCM được bác sỹ cho phép điều trị tại nhà thì cần nghỉ ngơi, tránh kích thích, ăn lỏng, chia nhỏ nhiều bữa; vệ sinh răng miệng, thân thể và hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol hoặc Efferalgan, kháng sinh nếu có bội nhiễm. Tuy nhiên, cần phải nhập viện gấp khi trẻ có các dấu hiệu sốt liên tục (bằng hoặc trên 39,5 độ C), hốt hoảng, giật mình, chới với, run chi, co giật, đứng không vững; nôn ói nhiều, có thể có tiêu chảy; da nổi bông, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ đang sốt, tay chân lạnh. Đặc biệt, đưa trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh, đối với trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. “Nếu thấy trẻ sốt cao hoặc nôn ói nhiều kèm theo giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, quấy khóc nhiều, bức rứt, mệt mỏi cần đưa ngay đến bệnh viện để tái khám. Biến chứng của bệnh TCM là viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các biến chứng này thường diễn tiến rất nhanh và gây tử vong cao có thể trong vòng 24 giờ”, một bác sỹ cho biết.

TRÍ DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_196488_.aspx