Bệnh tay - chân - miệng và những nhầm lẫn tai hại

Cùng với COVID-19, sốt xuất huyết, số ca mắc tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Tuy không phải bệnh nan y nhưng đã có những hậu quả khó lường xảy ra do hiểu sai về bệnh cũng như điều trị sai cách.

Dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng.

Dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng.

Gia tăng đột biến

Số ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) theo thống kê có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam. Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, trong tháng 4 và tháng 5 ghi nhận gần 800 bệnh nhi mắc TCM đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước. Trong gần 800 trẻ đến khám trong 2 tháng qua có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê tuần vừa qua đã ghi nhận 1.070 ca bệnh, tăng 81% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng cả trong số bệnh nhi nhập viện điều trị và khám ngoại trú. Nhiều tỉnh, thành khác ở miền Nam như Cần Thơ, Đồng Tháp… cũng ghi nhận số trẻ mắc TCM tăng đột biến, thậm chí đã có trường hợp tử vong do TCM.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm theo mùa. Đặc biệt, các nước khu vực châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã trở thành bệnh dịch theo mùa, nhất là mùa hè. Bệnh lây theo đường tiêu hóa, do nhóm vi rút đường ruột gây ra. Bệnh thường xảy ra ở các vị trí tay, chân, miệng nên gọi là bệnh TCM. Bệnh rất hay nhầm lẫn với bệnh viêm nhiệt miệng, sốt phát ban.

Trong quá trình khám, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hô hấp Nhi khoa Việt Nam cho hay, rất nhiều phụ huynh khi con bị loét miệng do nhiệt, hay sốt phát ban đã đưa tới BV khám. Bác sĩ chẩn đoán không phải bị TCM họ vẫn không tin, sợ con mình không được điều trị sẽ biến chứng nguy hiểm nên rất lo lắng.

Với kinh nghiệm của một bác sĩ chuyên khoa Nhi, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên, gần đây, cứ thấy con bị mọc mụn ở tay, chân, miệng là phụ huynh nghĩ con mình bị TCM nên rất hoang mang, sợ hãi. Hội chứng này lây lan nhanh tạo thành bệnh tư tưởng trong cộng đồng, xã hội. Trong quá trình khám, các bác sĩ phát hiện rất nhiều trường hợp nhầm lẫn bị TCM. Kể cả khi chẩn đoán đúng bệnh vẫn có trường hợp điều trị sai, bởi TCM cũng có nhiều mức độ. Chỉ trong trường hợp trẻ mệt, không chịu chơi, nôn nhiều, sốt cao, thở khó, đi ngoài nhiều… mới nên đến BV điều trị, còn các trường hợp nhẹ thì không cần thiết.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, để phát hiện bệnh, đối với trẻ từ 6 tháng trở lên quan sát biết ngay, dựa vào triệu chứng. Thực tế, cũng có nhà trẻ có đến 80% trẻ bị mắc vì bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, nhưng số ca bị nặng không nhiều nên cha mẹ không nên quá lo lắng. Thường thì trẻ chỉ bị mọc vài cái mụn ở lòng bàn tay, bàn chân và trong miệng, trẻ vẫn chơi, vẫn ăn uống bình thường (qua thăm khám, tính theo tỷ lệ 100 trẻ chỉ có 1 trẻ bị nặng).

Điều trị cho trẻ mắc tay - chân - miệng.

Không nên quá lo lắng

Về điều trị, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng bệnh, do đó, khi bị bệnh nên cho trẻ ở riêng một phòng, trẻ bị triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đó. Cụ thể, khi trẻ bị mụn gây lở loét, đau rát, có thể bôi thuốc chống nhiễm trùng, bội nhiễm, còn không bệnh cũng tự khỏi sau 7-10 ngày, nếu cơ thể có sức đề kháng tốt, biết cách chăm sóc.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh TCM không có gì là nghiêm trọng, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ thấy con bị bệnh, lấy các lá thuốc dân gian (tía đô, kinh giới…) tắm cho con, bệnh không những không khỏi mà còn bị biến chứng bởi vô tình các lá thuốc đó không hợp vệ sinh, khi vết thương bị trầy xước đã nhiễm trùng và bội nhiễm. Trong khi đó, da của trẻ em rất mỏng, khi bị nhiễm trùng rất dễ vào máu gây nhiễm trùng máu, thậm chí dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cảnh báo, việc cha mẹ thấy con bị bệnh nên đã kiêng không tắm cũng là một sai lầm. Cũng giống như bệnh sởi, thủy đậu, kinh nghiệm dân gian truyền lại bảo không được tắm vì phải kiêng nước, kiêng gió, thậm chí ít cho uống nước. Nhưng chính việc kiêng khem quá mức này đã dẫn đến nhiều trường hợp bị cam tẩu mã do vi khuẩn từ miệng lên, rồi bị chạy hậu.

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, khi bị các bệnh này, vẫn nên tắm rửa, vệ sinh cho trẻ như bình thường, vì các biến chứng không phải do tắm rửa mà là do nhiều nguyên nhân khác. Thậm chí khi trẻ bị sốt, nhiều người gọi y tá về truyền nước, truyền đạm cho con cho nhanh hết sốt và tăng sức đề kháng cho cơ thể, điều này là không cần thiết vì khi bị TCM, trẻ vẫn ăn uống, bú mẹ. Khi trẻ vẫn ăn bình thường và không bị nôn trớ thì không cần phải truyền. Nên cho trẻ ăn các thức ăn dễ nuốt, để trẻ không bị đau. Ngoài ra, nên bổ sung các loại nước hoa quả cho trẻ cũng rất tốt.

Theo bác sĩ Trương Văn Quý – Trưởng Khoa Nội Nhi tổng hợp, BV E, khi bị bệnh trẻ thường rất mệt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ. Mụn nước xuất hiện ở niêm mạc miệng (má, lợi, mặt bên lưỡi…), các mụn này thường vỡ rất nhanh, tạo thành vết trợt, loét khiến trẻ bị đau rát, khó ăn uống. Ở bàn chân, mông, bàn tay cũng xuất hiện mụn, bọng nước. Ở thể nhẹ, bệnh gây tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi. Ở thể nặng, TCM gây tổn thương thần kinh khiến trẻ li bì, giật mình, yếu liệt chi. Trẻ có thể bị tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn, khó thở, phù phổi cấp khi mắc bệnh ở thể rất nặng Do đó, khi bé có dấu hiệu mắc TCM, cha mẹ nên đưa bé đến BV để khám và điều trị đúng cách.

Trẻ mắc bệnh TCM nên được cách ly tại nhà, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, nếu nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ. Gia đình nên theo dõi sát trẻ, đưa đến BV gần nhất nếu trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, không hạ sốt, li bì, giật mình, run tay chân, tím tái… Ngoài ra, cha mẹ phải vệ sinh da cho trẻ, nhất là các vùng có mụn nước, bôi thuốc vào vết loét trong miệng theo tư vấn của bác sĩ để tránh bội nhiễm. Người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã, quần áo, tiếp xúc với phân, nước bọt của trẻ; rửa sạch đồ chơi, vật dụng; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn…

Khi trẻ bị bệnh, các vết mụn nước trong miệng khiến trẻ rất khó chịu, đau rát miệng, chán ăn. Vì thế, bác sĩ Trương Văn Quý khuyến cáo: Nên sử dụng thức ăn lỏng, ấm, chia thành nhiều bữa nhỏ, có thể xay nhỏ thức ăn, nấu thành cháo, súp cho trẻ dễ ăn và dễ hấp thu. Lưu ý cho trẻ ăn thực phẩm giàu Vitamin A, C như thịt, cá, tôm, trứng, sữa và các loại rau có màu xanh sẫm, củ quả màu vàng đỏ. Thực phẩm nhiều kẽm như thịt gà, lòng đỏ trứng cũng cần thiết do kẽm có tác dụng tăng đề kháng và giúp vết thương nhanh lành. Thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn, nấu chín kỹ; nên ngâm, tráng nước sôi và rửa sạch vật dụng ăn uống của gia đình…

Đoan Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/benh-tay-chan-mieng-va-nhung-nham-lan-tai-hai-post451844.html