Bệnh thấp tim (thấp khớp cấp) dùng thuốc gì để chữa?

SKĐS- Bệnh thấp tim hay còn gọi là thấp khớp cấp. Bệnh thường để lại di chứng ở van tim và tỉ lệ tử vong cao. Việc sử dụng steroid và kháng sinh đúng, kịp thời trong điều trị và phòng bệnh sẽ giúp hạn chế được bệnh thấp tim và ngăn ngừa biến chứng cũng như tái phát bệnh.

1. Hơn 50% bệnh thấp tim bắt đầu từ viêm họng do liên cầu khuẩn

NỘI DUNG:

1. Hơn 50% bệnh thấp tim bắt đầu từ viêm họng do liên cầu khuẩn
2. Các biểu hiện của bệnh thấp tim
3. Điều trị bệnh thấp tim thế nào?
4. Điều trị dự phòng thấp tim

Thấp khớp cấp là bệnh viêm lan tỏa của tổ chức liên kết khớp, nhưng cũng có thể ở các cơ quan khác như da, tổ chức dưới da, tim và thần kinh trung ương, bệnh có diễn biến cấp, bán cấp hay tái phát.

Khoảng 50 - 70% số bệnh nhân mở đầu bằng viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (LCK beta - A) ở đường hô hấp trên. Có trường hợp viêm họng nhẹ thoảng qua biểu hiện bằng đau họng đơn thuần, cũng có khi không có biểu hiện viêm họng ban đầu. Nhưng cũng nhiều trường hợp nếu không được điều trị đầy đủ và đúng thì từ 2-3 tuần sau khi nhiễm khuẩn vùng hầu họng, bệnh sẽ tiến triển, gây tổn thương ở mô liên kết của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là tổn thương khớp và tim.

Các tổn thương tại khớp thường chỉ thoảng qua và không để lại di chứng gì, nhưng tổn thương tại tim (chủ yếu các van tim) có thể để lại những hậu quả nhiều khi rất nặng nề như hở van, hẹp van hoặc kết hợp.

Hình ảnh liên cầu khuẩn

Hình ảnh liên cầu khuẩn

2. Các biểu hiện của bệnh thấp tim

Sau viêm họng 7 - 15 ngày các triệu chứng của thấp khớp cấp xuất hiện: Bệnh nhân sốt cao 38 - 39 độ C, tim đập nhanh da tái xanh, vã mồ hôi. Sau đó có các biểu hiện:

Viêm khớp:Thường biểu hiện bằng viêm khớp cấp di chuyển từ khớp nọ sang khớp kia. Các khớp sưng nóng đỏ đau nhiều, hạn chế vận động do sưng đau kéo dài vài ngày đến một tuần rồi khỏi chuyển sang khớp khác, không để lại di chứng gì. Các khớp hay bị là các khớp gối, cổ chân, khuỷu, vai, rất ít gặp các khớp nhỏ ngón chân tay, hầu như không gặp ở cột sống và khớp háng.

Biểu hiện trên tim:Thấp khớp có thể gây tổn thương trên cả 3 phần của tim như viêm màng trong tim; viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tỷ lệ tổn thương tim gặp trong khoảng 30 - 90% bệnh nhân thấp tim.

Bệnh thấp tim là bệnh viêm toàn tim, được biểu hiện viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim hoặc kết hợp cả ba trường hợp trên. Trong đó viêm nội tâm mạc là tổn thương nặng và hay gặp nhất.

3. Điều trị bệnh thấp tim thế nào?

Khi đã xác nhận bệnh nhân bị thấp tim, cần phải tiến hành đồng thời điều trị và dự phòng thấp tim, bởi chúng liên quan chặt chẽ với nhau.

Trước hết, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển, giữ ấm, ăn nhẹ. Ở những bệnh nhân không có triệu chứng viêm cơ tim, có thể nghỉ ngơi hoàn toàn, không có bất cứ hoạt động nào trong thời gian 2 - 3 tuần.

Nếu có viêm cơ tim thì thời gian bất động phải được kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu bệnh nhân có suy tim thì bất động khoảng 8 tuần cho đến khi các triệu chứng suy tim được cải thiện. Ngừng các vận động thể dục trong 6 tháng sau đó.

Bệnh thấp tim ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhưng nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến tim.

Kháng sinh:Do bệnh thấp tim cấp tính xảy ra chủ yếu sau khi nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn. Do đó biện pháp đầu tiên là cần điều trị loại trừ liên cầu khuẩn ra khỏi cơ thể. Dùng kháng sinh kịp thời để ngăn chặn tái phát thấp tim và làm giảm tổn thương van tim.

Kháng sinh đầu tay điều trị liên cầu khuẩn như penicilline G, benzathin penicillin. Nếu dị ứng với penicilline có thẻ thay bằng các kháng sinh khác như erythromycin, sulfadiazin…

Kháng sinh phải được dùng liều cao, dùng sớm, đủ ngày, đủ liều.

Steroid: Thuốc steroid (presnisolon) cần được dùng sớm để phòng ngừa tình trạng viêm cơ tim. Thuốc có tác dụng nhanh, kết quả chắc chắn, ít tai biến vì thuốc chỉ định sử dụng thời gian ngắn.

Lưu ý, chỉ nên dùng thuốc đường toàn thân loại uống. Dùng liều điều trị kéo dài từ 2 đến 3 tuần rồi giảm dần liều cho đến khi bệnh khỏi và và xét nghiệm trở về bình thường (thời gian trung bình từ 2 đến 3 tháng). Sau đó bác sĩ sẽ cho liều thuốc duy trì. Trong thời gian dùng thuốc cần theo dõi chặt chẽ các tai biến và tác dụng phụ.

Aspirin: Là loại thuốc mà nhiều bác sĩ ưa dùng hơn các steroid, bởi thuốc có tác dụng không kém steroid và giá khá rẻ. Tuy nhiên với hàm lượng thuốc cao, dùng kéo dài thì thuốc có nhiều tác dụng phụ nhất là trên đường tiêu hóa. Do vậy, nếu dùng thuốc này thì cần uống với nhiều nước và uống sau bữa ăn.

Hơn nữa, thấp tim thường hay gặp ở trẻ em, trong khi đó aspirin có khá nhiều tác dụng phụ đối với trẻ. Trong đó lưu ý nhất là hội chứng Reye khi dùng thuốc salicylat (aspirin). Hội chứng Reye là một dạng hiếm gặp bệnh não cấp tính và xâm nhập mỡ gan. Đặc biệt là bệnh nhân đồng nhiễm mắc một loại virus nào đó thì nguy cơ gặp phải hội chứng này càng cao hơn khi dùng thuốc aspirin.

Tuy nhiên, khi trẻ bị thấp tim, một số trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại mà có thể vẫn chỉ định dùng thuốc này. Người chăm sóc trẻ cần phải phối hợp với bác sĩ, theo dõi chặt chẽ trẻ trong khi dùng thuốc. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường nào cần thông báo ngay với bác sĩ.

Thuốc an thần: Khi có dấu hiệu múa giật phải cho thêm các thuốc an thần như diazepam, chlopromazin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc trợ tim: Đối với các trường hợp có suy tim cấp cần điều trị với các thuốc trợ tim digitalis và thuốc lợi tiểu furosemid...

4. Điều trị dự phòng thấp tim

Dự phòng thấp tim tốt nhất bằng phòng nhiễm liên cầu khuẩn, bằng cách cải thiện chế độ sinh hoạt, tăng cường vệ sinh, giữ ấm...

Khám và dùng kháng sinh sớm để điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, viêm xoang mủ, răng (chân răng sâu có mủ), cắt amidal nếu có viêm mủ.

Khi đã bị thấp tim, cần điều trị dự phòng tái phát. Cứ mỗi 3 tuần 1 lần, bệnh nhân cần được tiêm benzathin penicillin chậm trong 5 năm đầu nếu không có biểu hiện ở tim. Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể để phòng ngừa tái phát thấp tim.

Nếu có biểu hiện bệnh ở tim, cần tiêm thuốc dự phòng cho đến năm 25 tuổi. Nếu không có điều kiện tiêm, có thể uống penicillin V, uống liên tục hàng ngày, thời gian như trên. Hoặc uống sulfadiazin hàng ngày, liên tục, thời gian giống như trên. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, sulfadiazin có thể dùng erythromycin.

Dự phòng bằng tiêm penicillin chậm là biện pháp phòng ngừa tái phát thấp tim rất tốt. Bằng phương pháp này nhiều nước đã hạn chế đến mức thấp các bệnh van tim do thấp, ngăn ngừa được những đợt tái phát của bệnh.

PGS.TS.Đức Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//benh-thap-tim-thap-khop-cap-dung-thuoc-gi-de-chua-169220805121114049.htm