Bệnh thường gặp ở trẻ khi vào hè

Thời gian gần đây, khi mới vào hè, thời tiết trở nên nóng bức, tạo cơ hội cho nhiều loại vi khuẩn phát triển làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh thường gặp ở trẻ như: Tiêu chảy, ho, sốt xuất huyết, sởi,…

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè. Ảnh minh họa: Lê Quyên.

Nhiều bệnh dịch có nguy cơ lây lan nhanh

Gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh...

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 19.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa.

So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm hơn 40%, số tử vong giảm 8 trường hợp, tuy nhiên so với các tháng đầu năm 2018, thời gian qua số mắc đang có xu hướng gia tăng.

Trung bình mỗi tuần, cả nước ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới SXH, trong đó miền Nam vẫn là điểm nóng của dịch.

Bên cạnh đó, số ca mắc và nhập viện do bệnh tay chân miệng trong tuần qua tiếp tục tăng với hơn 1.200 trường hợp mắc, có 676 trường hợp nhập viện. So với tuần trước, số mắc tăng 16%, số trường hợp nhập viện tăng 18%.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 13.000 trường hợp mắc, trong đó có gần 7.500 trường hợp nhập viện do tay chân miệng, may mắn không ghi nhận ca bệnh tử vong.

Tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù số ca bệnh SXH ở Hà Nội giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017, song thời tiết mùa hè (nóng ẩm, mưa nhiều) là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ông Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Thủ đô có gần 110 người mắc SXH.

Do chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh nên ý thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng quyết định việc dịch có bùng phát hay. Cùng đó, người dân cũng được khuyến cáo nâng cao sức đề kháng và tăng cường công tác vệ sinh môi trường, nhất là tại các nhà trẻ, nhà mẫu giáo để phòng bệnh tay chân miệng trong mùa hè. Được biết, trong tuần qua, Hà Nội có tới gần 70 ca mắc tay chân miệng mới, nâng số ca mắc 5 tháng đầu năm 2018 lên gần 600 ca.

Còn tại TP HCM, dù số ca SXH nhập viện giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên các chuyên gia dịch tễ nhận định với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa rào kèm nắng nóng, đặc điểm sinh địa cảnh TP HCM rất thuận lợi cho muỗi sinh sản nên nguy cơ mùa dịch 2018 đến sớm và khó tránh khỏi phát sinh các ổ dịch lây lan, kéo dài.

Hiện trong nhiều tuần trở lại đây, mỗi tuần TP đông dân nhất cả nước này có hơn 120 bệnh nhân nhập viện vì SXH, gần 70 bệnh nhân nhập viện về tay chân miệng.

Theo PGS TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến thời điểm này đã có gần 20 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH.

So với cùng kỳ năm 2017, số mắc và tử vong giảm mạnh, không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong 20 tuần đầu năm 2018, nhưng thời tiết nắng nóng ở miền Bắc những tuần qua và mưa nhiều ở khu vực miền Nam là yếu tố thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khí hậu nước ta nóng ẩm, mưa nhiều vào giai đoạn từ giữa tháng 5 - 11.

Đây chính là khoảng thời tiết vô cùng thuận tiện cho việc đẻ trứng của muỗi vằn.

Các nguồn nước thải, nước đọng trong mùa mưa không được xử lý hay làm vệ sinh là môi trường thuận lợi cho loài muỗi sinh sản mạnh và bùng phát thành dịch.

Với dịch tay chân miệng, ông Phu cũng cảnh báo tình trạng nhiều người chủ quan cho rằng học sinh đã nghỉ hè hết nên nguy cơ lây bệnh trong trường học sẽ giảm đi. Tuy nhiên, thực tế trẻ có thể mắc bệnh ở bất cứ đâu trong đó các khu vui chơi giải trí tập trung hàng trăm trẻ. Ở những nơi này nếu không được lau chùi, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên chính là yếu tố làm lây lan dịch bệnh.

Thực tế đã có rất nhiều gia đình cho biết, trẻ nóng sốt rồi nổi ban, bóng nước khắp người sau khi đi chơi công viên hoặc trở về từ các siêu thị và trung tâm thương mại, thậm chí bể bơi.

Theo các chuyên gia dịch tễ, người lớn có sức đề kháng tốt nên không bị mắc bệnh nhưng với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị virus tay chân miệng tấn công. Đáng nói, có đến 71% người lành mang trùng (mang virus nhưng không biểu hiện bệnh) nên rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo.

PGS TS Trần Đắc Phu cho biết, thời điểm này cũng là đỉnh điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Vì bệnh gia tăng vào mùa hè trùng với mùa vải, do đó nhiều người vẫn nhầm tưởng ăn vải là nguyên nhân gây bệnh này.

Ông khẳng định: Ăn quả vải không liên quan đến lây truyền/ nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa vải là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển (tháng 5, 6, 7) và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về, mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều trẻ nhập viện

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân, phụ trách Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn thì vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm là thời điểm bước vào hè với những đợt nắng nóng kéo dài.

Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân, chủ yếu thuộc lứa tuổi từ hơn 6 tháng đến 3 tuổi.

Chỉ tiêu giường bệnh của khoa là 40, tuy nhiên số bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 23-5 đã lên đến hơn 85 bệnh nhân.

Theo ghi nhận, bệnh nhân tay chân miệng nhập viện vẫn chiếm số lượng lớn nhất trong các loại bệnh. Bệnh nhân bị nặng, chuyển độ nhanh.

Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng.

Loại bệnh chiếm số lượng lớn thứ hai là bệnh về đường tiêu hóa. Thông thường bệnh này kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3.

Tuy nhiên, năm nay, trong tháng 5, khoa vẫn tiếp nhận các bệnh nhân bị các bệnh về đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn từ thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Ths, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân, những bệnh nhi bị tiêu chảy 10 lần/ngày, nôn ói thức ăn, ăn uống kém phải cho nhập viện điều trị.

Đối với các bệnh nhi bị tiêu chảy dưới 5 lần, các bác sỹ có thể xử lý tại phòng khám. Người lớn và trẻ nhỏ cần vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay khi chế biến cũng như khi ăn, sử dụng thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Loại bệnh chiếm số lượng lớn thứ ba trong những ngày hè là bệnh về đường hô hấp như viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi… Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhân lưu ý, vào mùa hè, hầu hết các gia đình đều sử dụng điều hòa.

Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến việc chênh lệch nhiệt độ giữa phòng điều hòa và bên ngoài, giữ ấm cho trẻ khi sử dụng điều hòa. Không cho trẻ uống đồ lạnh, nằm điều hòa chĩa thẳng vào mặt, vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các bác sĩ đưa ra lời khuyên nên hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết.

Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì người dân phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… để chống nóng.

Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol…

Không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe với phương châm “phòng” hơn “chống”, thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm tươi, không chế biến thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc nhiễm bệnh để phòng bệnh cho con em mình.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch nơi ở để tránh các bệnh do vi-rút lây lan, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Khi bản thân và người thân trong gia đình nghi bị bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/benh-thuong-gap-o-tre-khi-vao-he-tintuc407696