Bệnh tiểu đường có di truyền không?

Gần 5 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Nhiều người băn khoăn bệnh này có di truyền hay không và cách nào để giảm thiểu nguy cơ mắc phải?

Vai trò của yếu tố di truyền là khác nhau giữa các loại tiểu đường.

Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn dịch. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh, thường xuất hiện trong thời niên thiếu, nhưng bạn vẫn có thể mắc nó ở mọi lứa tuổi.

Trước đây, các bác sĩ tin rằng bệnh tiểu đường type 1 hoàn toàn do di truyền. Tuy nhiên, không phải tất cả người tiểu đường type 1 đều có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Một số đặc điểm di truyền có thể làm cho bệnh dễ phát triển hơn trong một số trường hợp.

Ở những người mắc tiểu đường loại này, các nhà khoa học đã tìm thấy những thay đổi trong gene tạo ra một số protein đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.

Những đặc điểm di truyền này khiến một người dễ mắc tiểu đường type 1, căn bệnh đi theo bệnh nhân suốt đời.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra bao gồm:

- Thời tiết lạnh: Tiểu đường type 1 dễ xuất hiện vào mùa đông, phổ biến hơn ở vùng khí hậu mát mẻ.

- Virus: Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số loại virus có thể kích hoạt tiểu đường loại 1 ở những người dễ mắc bệnh. Trong đó có virus sởi, quai bị, Coxsackie B và virus rota.

- Chế độ ăn uống sớm: Được bú sữa mẹ khi còn nhỏ có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 1.

Tiểu đường type 2 chiếm 90-95% các trường hợp tiểu đường, thường có người thân trong gia đình mắc bệnh này. Di truyền có thể đóng vai trò nào đó nhưng các chuyên gia tin rằng yếu tố lối sống, như chế độ ăn uống và tập thể dục, có tác động đáng kể nhất.

Ngoài tiền sử gia đình, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ phát triển tiểu đường type 2, gồm:

- 45 tuổi trở lên

- Thừa cân, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hoặc béo phì

- Ít vận động

- Tăng cholesterol máu

- Huyết áp cao

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ

- Tiền sử bệnh tim mạch

- Trầm cảm

Tiểu đường thai kỳ xảy ra với 14% tổng số ca mang thai ở Hoa Kỳ. Một phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ thường có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường, thường là type 2.

Đái tháo nhạt là bệnh lý hoàn toàn khác với đái tháo đường type 1 hoặc type 2, gồm 2 loại:

Bệnh đái tháo nhạt do thận, tình trạng di truyền phát triển sau khi cha hoặc mẹ bị đột biến gene.

Bệnh đái tháo nhạt do thần kinh, một phần do di truyền, cũng có thể xuất phát từ các yếu tố khác, như chấn thương hoặc khối u.

Không thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1, nhưng có thể giúp giảm nguy cơ bằng cách nuôi con bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi; Giảm thiểu tiếp xúc với các bệnh nhiễm trùng trong thời thơ ấu bằng cách tiêm vắc xin đúng hạn, thực hành vệ sinh tốt, như rửa tay.

Trong khi đó, hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Bạn nên bắt đầu kiểm tra định kỳ từ 45 tuổi. Người có các yếu tố rủi ro khác, như béo phì, có thể cần bắt đầu sàng lọc sớm hơn.

Đôi khi sàng lọc cho thấy một người bị tiền tiểu đường, có nghĩa là lượng đường trong máu cao nhưng không đủ để chẩn đoán mắc tiểu đường type 2. Thay đổi chế độ ăn uống và mức độ hoạt động có thể ngăn chặn sự khởi phát của bệnh.

Điều chỉnh lối sống giúp kiểm soát các triệu chứng tiểu đường bằng cách:

- Nhớ rõ dấu hiệu bệnh tiểu đường như: mệt mỏi, kiệt sức, khát nước và đi tiểu nhiều. Nếu các triệu chứng xuất hiện đột ngột, chúng có thể báo hiệu tiểu đường type 1. Các triệu chứng của type 2 có thể mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện và các biến chứng như bệnh tim mạch có thể đã xuất hiện.

- Người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường type 2 hoặc có yếu tố nguy cơ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng hợp lý, tập thể dục đều và hỏi ý kiến bác sĩ về việc sàng lọc.

BS Đoàn Hồng, Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/benh-tieu-duong-co-di-truyen-khong-tinh-di-truyen-cua-cac-loai-tieu-duong-2148819.html