Bệnh truyền nhiễm gia tăng, vắc xin phòng ngừa hiệu quả nhất

Chiều 15-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu như trong các tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu trên địa bàn thành phố đều giảm thì trong tuần vừa qua, lại gia tăng.

Cụ thể, trong tuần (từ ngày 5 đến 12-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 16 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 248 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Ngoài ra, tuần qua cũng có thêm 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại quận Nam Từ Liêm và huyện Thạch Thất. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 12 ổ dịch.

Một bệnh nhi hồi phục sau 5 ngày điều trị sốt xuất huyết.

Một bệnh nhi hồi phục sau 5 ngày điều trị sốt xuất huyết.

Về bệnh tay chân miệng, tuần qua có thêm 46 ca mắc (tăng 11 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 552 ca mắc (tăng gần 8,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại phường Trung Tự (quận Đống Đa). Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố có 24 ổ dịch tay chân miệng.

Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 54 ca mắc thủy đậu (tăng 19 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.439 ca mắc thủy đậu (tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường. Sau mưa dông, trời mát mẻ rồi lại chuyển sang nắng nóng, tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút gây bệnh thủy đậu, tay chân miệng phát triển. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới số ca mắc các bệnh này lại gia tăng.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, tiêm vắc xin là biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả và an toàn nhất.

Bảo đảm tiêm vắc xin an toàn cho trẻ.

Đơn cử, vắc xin cúm tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) giúp phòng ngừa 4 chủng vi rút cúm gây bệnh nặng gồm cúm A/H1N1, H3N2 và 2 chủng cúm B/Yamagata và Victoria. Hay hai loại vắc xin Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) đang lưu hành ở Việt Nam có thể phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn.

Ngoài ra, nước ta cũng đang sử dụng vắc xin MVVac (Việt Nam) phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn; vắc xin phối hợp Priorix (Bỉ)/MMR II (Mỹ) phòng sởi - quai bị - rubella…

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1064308/benh-truyen-nhiem-gia-tang-vac-xin-phong-ngua-hieu-qua-nhat