Bệnh ung thư gia tăng, trẻ hóa đáng báo động

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 3 ngàn trường hợp mắc mới bệnh ung thư. Qua đó, nâng tổng số bệnh nhân ung thư được quản lý trên địa bàn tỉnh lên hơn 13 ngàn ca; trong đó có 723 ca đã tử vong.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân bị ung thư tại Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Con số thống kê nêu trên cho thấy tình trạng bệnh ung thư đang tăng nhanh, thực sự đáng báo động.

* Ung thư vú ở nữ giới ngày càng tăng

BS CKI Dương Cường, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong nhiều loại bệnh ung thư được ghi nhận thì ung thư đường tiêu hóa và ung thư phụ khoa chiếm tỷ lệ cao nhất. Riêng ung thư vú chiếm đến 15,2%, tiếp theo là ung thư trực tràng, đại tràng với 13,8%.

Phát biểu tại một hội nghị về bệnh ung thư do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 21,5 ngàn ca mắc mới ung thư vú, chiếm gần 26% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh ung thư vú có thể chữa khỏi lên đến 90%.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, những con số thống kê được mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi trên thực tế, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư nhưng không khai báo hoặc không điều trị tại các bệnh viện nên việc thống kê chưa đầy đủ.

Thống kê của Bộ Y tế, năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 182,5 ngàn ca mắc bệnh ung thư mới. Trong đó, 5 loại ung thư phổ biến nhất gồm: ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng. Số ca tử vong lên đến hơn 122 ngàn trường hợp. Đây là con số đáng để suy ngẫm, bởi tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng rất cao, xếp thứ 50/185 quốc gia.

Đáng lưu ý, do yếu tố tâm lý nên nhiều chị em phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Khi đến bệnh viện khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.

BS CKII Lê Đức Nhân, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, ông từng điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc ung thư vú. Trong đó có những trường hợp không đến bệnh viện chữa bệnh ngay từ đầu mà nghe theo lời người khác đắp các loại lá cây lên vú, gây lở loét vú, bệnh ngày càng nặng.

Hiện nay, điều trị bệnh ung thư vú đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp miễn dịch…, giúp cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Do vậy, BS Đức Nhân khuyến cáo chị em phụ nữ nâng cao kiến thức, nhận thức về bệnh ung thư vú để đi khám tầm soát định kỳ, phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư vú nếu có, tránh những hậu quả đáng tiếc.

* Nguyên nhân khiến bệnh ung thư gia tăng

Cách đây 3 năm, ông P.H.T. (62 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được phát hiện mắc bệnh ung thư ruột non. Trước đó, trong gia đình ông T. có cha và anh trai ông cũng mắc bệnh ung thư gan và đã qua đời. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ông T. được xác định đã khỏi bệnh. Do vậy, thời gian gần đây, ông uống khá nhiều rượu, bia. Cách đây ít ngày, ông T. thấy đau tức bụng, đi khám thì được bác sĩ cho hay, có một số khối u trong ruột non của ông, hiện đã di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể.

Trong khi đó, dù trong gia đình không có ai mắc bệnh ung thư nhưng cách đây 2 năm, bé Q.N. (9 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp, H.Long Thành) được phát hiện mắc bệnh ung thư máu.

Cha bé Q.N. cho hay, từ ngày con bị bệnh, gia đình anh rất lo lắng. Vợ anh phải nghỉ làm ở công ty để ở nhà chăm sóc con, đưa con đi bệnh viện để lấy thuốc và điều trị.

Nói về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ung thư ngày càng gia tăng, ThS-BS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark cho rằng, có 2 nhóm yếu tố chính, đó là nhóm yếu tố có thể thay đổi được như: hành vi, lối sống, môi trường và nhóm yếu tố không thể thay đổi được như: lịch sử gia đình, tuổi tác.

Theo BS Kiên, Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số. Tuổi thọ của người Việt ở mức cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại không cao. Việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trong thời gian dài, thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động… là những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ ung thư.

Bên cạnh những yếu tố có thể thay đổi được thì yếu tố về gia đình, tuổi tác không thay đổi được. Do vậy, việc sàng lọc để phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí cho gia đình người bệnh.

Theo đó, hiện các bệnh viện đang điều trị ung thư bằng nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội. Riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đang điều trị ung thư theo mô hình đa mô thức và cá thể hóa. Bệnh viện có đầy đủ các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác khám sàng lọc, xét nghiệm, điều trị các bệnh lý về ung thư.

Nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư trên địa bàn tỉnh, TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, mặc dù là bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh nhưng đến nay bệnh viện chưa có khoa ung bướu. Vì thế, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đều phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoặc các bệnh viện tuyến trên điều trị. Bệnh viện đang thực hiện các thủ tục cần thiết để sớm thành lập khoa ung bướu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/benh-ung-thu-gia-tang-tre-hoa-dang-bao-dong-c926b79/