Bệnh vẩy nến tự đắp lá thuốc, toàn thân sùi như da cóc

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé trai Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi, ở xóm Pác Táng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng – dân tộc Nùng) trong tình trạng da toàn thân sùi như da cóc do bệnh vẩy nến mủ được người nhà tự đắp thuốc.

PGS.TS Lê Hữu Doanh đang khám cho bệnh nhân Thuyên. Ảnh: T.G

Da toàn thân chảy mủ

Theo lời kể của gia đình, từ khi 2 tháng tuổi, bé Thuyên đã mọc mụn mủ trên da, lở loét. Gia đình có cho con đi khám ở bệnh viện huyện nhưng không đỡ, tái phát nhiều lần. Người nhà sốt ruột đã đắp lá thuốc, lâu dần khiến tình trạng bệnh ngày một nặng thêm.

Chia sẻ về trường hợp này, PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, với bệnh vẩy nến, việc dùng lá thuốc không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống. Đó là chưa kể, bệnh nhân đang tổn thương da mà đắp các loại lá không rõ nguồn gốc càng dễ làm kích ứng, bệnh nhân sẽ rất khó chịu. Đến nay vẩy nến được gọi là bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời. Ở trẻ nhỏ, điều trị rất dài và cần có chỉ định rõ ràng chứ không thể khỏi trong thời gian ngắn được.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp do tin vào mách bảo đã đắp lá khiến bệnh trầm trọng thêm. Như trường hợp anh N.V.C (ở Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bị bệnh vẩy nến, thay vì điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc, anh tìm tới dùng thuốc lá cây của một thầy lang. Sau đó, anh bị bội nhiễm, toàn thân chảy mủ phải cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Sau một tháng điều trị, da toàn thân bong tróc. Dù được điều trị tích cực, anh giờ không chỉ phải điều trị vẩy nến mà còn bị suy thận do ảnh hưởng từ việc uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc phải chạy thận tuần 3 lần.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cảnh báo, việc điều trị bệnh nói chung và bệnh về da liễu nói riêng bằng các phương pháp không chính thống rất dễ gặp phải những biến chứng, nhất là qua những bài thuốc tự chế không rõ nguồn gốc. Với bệnh vẩy nến, mọi người đừng tin lời quảng cáo chữa dứt điểm được bệnh để tránh tiền mất, tật mang.

Bệnh vẩy nến không đơn giản chỉ là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa. Nhiều báo cáo đưa ra, có tới 42% người mắc bệnh vẩy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vẩy nến gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn tới biến dạng, mất chức năng.

Bệnh không lây nhiễm như nhiều người nghĩ

Người bị bệnh vẩy nến, ngoài chịu phải đau đớn, ngứa, chảy máu, bệnh nhân còn dễ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhiều người dân lo sợ khi tiếp xúc với những người mắc bệnh vẩy nến sẽ bị lây nhiễm. Chính điều này đã khiến những người bị bệnh luôn bị kỳ thị. Theo ông Trần Hồng Trường - Chủ tịch Hội vẩy nến Việt Nam, bệnh có nhiều thể, thể nhẹ không ảnh hưởng nhiều, thể nặng chiếm 5 - 10% trong số bệnh nhân mắc. Bệnh vẩy nến đã được chứng minh không lây, tiếp xúc không khiến người khác mắc bệnh. Cho tới nay chưa có phương thuốc nào chữa khỏi bệnh vẩy nến mà chỉ có thể kiểm soát bằng nhiều liệu pháp khác nhau có thể làm giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng bệnh.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng cho rằng, đây là bệnh mãn tính dễ bị tái phát nhiều lần nên người bệnh cần phải kiên trì chữa trị. Nếu có bất thường trên da cần đến bác sỹ chuyên khoa để chẩn đoán thể mắc bệnh. Bệnh vẩy nến có liên quan yếu tố gen, môi trường, tâm lý… người bệnh vì vậy không nên quá lo lắng, tránh căng thẳng thần kinh, stress hay tự tìm các bài thuốc tự chế vì có thể khiến bệnh nặng hơn. Hiện nay, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã mở các phòng khám chuyên về bệnh vẩy nến. Người bệnh đến đó được tư vấn, khám và điều trị theo một lộ trình, bệnh án có thể theo dõi đều đặn.

Theo các chuyên gia, một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vẩy nến hiện nay là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Đây là phương pháp ổn định bệnh lâu dài so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả chữa vẩy nến tới 80%, nhưng bệnh nhân chỉ được chiếu tối đa hai liệu trình/năm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị. Người bệnh khi điều trị bằng chiếu sáng UBV dải hẹp có thể gặp tình trạng đen hơn bình thường nhưng triệu chứng này sẽ hết sau khi ngừng điều trị khoảng một tháng, màu da trở về như trước.

Bên cạnh đó còn có phương pháp trị liệu sinh học. Thuốc sinh học là những protein dẫn xuất từ nguồn sống hoặc tổng hợp thông qua kỹ thuật tái tổ hợp ADN. Việc điều trị tùy vào độ tuổi, thể bệnh và tổn thương… Tốt nhất nên đến bác sỹ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu.

Để tránh những phiền toái từ bệnh vẩy nến, các chuyên gia khuyến cáo, người bị bệnh vảy nến cần có chế độ sinh hoạt khoa học, đều đặn, không làm việc quá nặng. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, không nên dùng nước nóng, xà phòng có chất tẩy mạnh vì dễ làm tăng triệu chứng. Nên dùng nước ấm hoặc dầu tắm riêng biệt. Trong thời tiết hanh khô nên sử dụng kem dưỡng ẩm. Chế độ ăn uống nên tham khảo hướng dẫn của bác sỹ, tránh dùng cách chất kích thích và hút thuốc lá, món ăn lạ tránh dị dứng... Cần ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega 3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… nhằm nâng cao sức đề kháng.

Khám miễn phí bệnh vẩy nến

Từ ngày 22/10 đến 31/10/2018, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ tiến hành khám, tư vấn miễn phí và tặng những sản phẩm chăm sóc da đặc biệt cho bệnh nhân mắc vẩy nến.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Vẩy nến thế giới 29/10. Thời gian khám vào buổi sáng, từ 8h-12h tại Phòng khám số 1, tầng 6, Nhà Điều hành - Bệnh viện Da liễu Trung ương (15A, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội).

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/benh-vay-nen-tu-dap-la-thuoc-toan-than-sui-nhu-da-coc-20181019182311414.htm